Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội siết chặt điều kiện tách thửa đất ở: Thêm áp lực cho người mua nhà?

Để được tách thửa đất ở đô thị, các mảnh đất sau tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 50m2; thửa đất phải có chiều dài và chiều rộng từ 4m trở lên,... Điều này khiến nhiều người lo ngại giấc mơ sở hữu nhà riêng sẽ ngày càng xa vời.

Cụ thể, từ 7/10, Hà Nội áp dụng quy định mới về điều kiện tách thửa; theo đó tại các phường, thị trấn, thửa đất phải có chiều dài và chiều rộng từ 4m trở lên, diện tích tối thiểu là 50m2, tăng 20m2 so với quy định hiện hành.

Với các xã vùng đồng bằng, diện tích sau tách thửa tối thiểu là 80m2, các xã vùng trung du là 100m2, còn các xã miền núi là 150m2…

Đây là một trong những nội dung được quy định tại Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND do UBND TP. Hà Nội vừa ban hành.

Chị Đào Hồng Hạnh (quận Thanh Xuân) đánh giá, với việc tăng diện tích tách thửa như quy định hiện nay phần nào tạo áp lực cho người mua nhà.

-1721-1727743616.jpg

Để tách thửa đất ở đô thị tại Hà Nội, các thửa đất phải có chiều dài và chiều rộng từ 4m trở lên, diện tích tối thiểu là 50m2, tăng 20m2 so với quy định hiện hành.

“Với căn nhà 30m2 nếu mức giá chỉ từ 80 - 100 triệu đồng/m2, người mua nhà chỉ cần bỏ ra khoảng 3 - 4 tỉ đồng. Nhưng nếu thửa đất tối thiểu là 50m2, cũng với giá đó, người dân cần có khoảng 5 tỉ đồng trở lên” - chị Hạnh nói.

Theo như chia sẻ của chị Hạnh, số tiền chênh nhau quá lớn khiến nhiều người có thu nhập thấp khó đạt được. Như thế, cơ hội mua nhà của nhiều người cũng sẽ khép lại.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc nâng diện tích tách thửa tối thiểu tại các phường, thị trấn sẽ tạo cơ chế ngăn chặn tình trạng tách thửa phân lô tràn lan, phá vỡ quy hoạch đô thị tại khu vực trung tâm.

Quy định mới cũng có thể khiến giá đất, nhà ở tiếp tục tăng do nguồn cung bị siết chặt hơn. Ông Phạm Đức Toản - CEO EZ Property cho biết, những lô đất rộng 30-40 m2 là phân khúc ưa chuộng của nhiều người dân bởi vừa tầm tiền, có thể xây nhiều tầng để nâng diện tích sử dụng.

Thời gian qua, không hiếm tình trạng các nhà đầu tư bỏ vốn mua những lô đất ở diện tích 90-120 m2 rồi tách thửa, chia nhiều lô nhỏ bán sang tay, thu lợi nhuận lớn. Khi diện tích tách thửa tối thiểu được nâng lên, họ sẽ phải dành nhiều công sức và nguồn vốn để mua được mảnh đất đủ lớn, kéo theo giá những thửa đất sau khi được tách, phân lô sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, xét trên góc độ quy hoạch, ông Toản đồng ý với quy định tách thửa mới vì sẽ hạn chế được những căn nhà có diện tích quá nhỏ làm xấu hình ảnh đô thị, ảnh hưởng tới khả năng phòng cháy chữa cháy.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng việc nâng diện tích tách thửa tối thiểu tại các phường, thị trấn sẽ tạo cơ chế ngăn chặn tình trạng tách thửa phân lô tràn lan, phá vỡ quy hoạch đô thị tại khu vực trung tâm, vì Hà Nội là đô thị đặc biệt với áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, trong đó mật độ dân số tập trung cao tại các quận.

Song, theo ông Thịnh, quy định mới cần cân bằng giữa việc đảm bảo nhu cầu tách thửa chính đáng của người dân, tránh tình trạng lạm dụng, biến tướng, phá vỡ quy hoạch đô thị. Do đó, việc nâng diện tích tách thửa tối thiểu phải khảo sát kỹ ý kiến người dân, nhất là nhóm ở khu vực các phường, thị trấn.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho biết, theo quy định cũ, diện tích tách thửa ở nội đô là 30m2. Hiện nay, những mảnh đất nào đủ điều kiện đều đã tách thửa hết. Do đó, quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa mới được áp dụng sẽ không tác động tới giá thành và thị trường quá nhiều.

"Ví dụ, trước kia có rất nhiều căn nhà xây sẵn khoảng 30m2, nhiều người dễ tiếp cận hơn. Khi tăng diện tích tách thửa thì giá trị căn nhà sẽ tăng cao. Thành phố cần có chiến lược phát triển nhà ở xã hội trước khi áp dụng quy định mới để người dân có thể tiếp cận nhà ở", một chuyên gia nêu ý kiến.

Về lâu dài, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải làm tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tầm nhìn dài hạn; sau đó công khai để người dân biết và đưa vào kế hoạch, quy hoạch dài hạn, có dự án bài bản để tạo ra sản phẩm bất động sản chính thống thay vì "hàng lậu".

Hồng Hương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật