Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HTX cần làm gì khi giá điện tăng?

Việc giá điện tăng 4,8%, lên hơn 2.100 đồng/kWh sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX. Dù áp lực không nhỏ nhưng các HTX, tổ hợp tác đang tích cực thay đổi, điều tiết sản xuất để thích nghi với tình trạng “giá điện chỉ có tăng và chưa có khi nào giảm” trong suốt thời gian qua.

Hiện nay, không chỉ hoạt động sản xuất, nhiều HTX còn thực hiện kinh doanh các dịch vụ nên nhu cầu sử dụng điện là không nhỏ.

Liên hoàn khó khăn

Chia sẻ với VnBusiness, bà Nguyễn Thị Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như (Hậu Giang) cho biết, HTX không chỉ nuôi trồng thủy sản mà còn thu mua, chế biến, và các khâu từ sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển bảo quản đều phải dùng đến điện. Hệ thống kho lạnh của HTX hoạt động 24/24h.

Hiện, mỗi tháng, HTX phải chi trả tiền điện 50 triệu. Theo mức tăng mới, mỗi tháng, HTX phải chi thêm khoảng trên dưới 2 triệu đồng tiền điện nữa. Đó là chưa kể HTX đang xây dựng thêm nhà xưởng sản xuất và chế biến nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Nhà xưởng này dự định sẽ đi vào hoạt động từ tháng 11, số tiền điện HTX phải chi trả sẽ phải tăng gấp đôi.

Ông Hồ Quang Dũng, Giám đốc HTX Nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản Xuân Thành (Hà Tĩnh) thông tin, nuôi tôm công nghệ cao thực hiện sục khí liên tục, tiền điện mỗi tháng của HTX phải trả là 225 triệu đồng. Với mức tăng giá mới, HTX sẽ phải chi trả thêm khoảng 10 triệu đồng tiền điện nữa cho một tháng. Đây là con số không nhỏ đối với HTX.

-8362-1729157838.jpg

Mô hình sản xuất, chế biến thủy sản của HTX Kỳ Như là một trong những lĩnh vực phải sử dụng nhiều điện năng để bảo đảm  chất lượng sản phẩm.

Là mô hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín, ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX Hoàng Long (Hà Nội) cho biết, các khâu từ phối trộn thức ăn, bơm nước, tắm cho lợn, xử lý chất thải, giết mổ, bảo quản... đều sử dụng điện. Với quy mô hiện nay, mỗi tháng tiền điện HTX phải chi trả là khoảng 60 triệu đồng. Khi giá điện tăng 4,8%, lên hơn 2.100 đồng/kWh, tính ra mỗi tháng, HTX phải chi thêm cho tiền điện khoảng 2,8 triệu đồng.

Theo đánh giá của ngành chức năng, giá điện tăng 10% thì chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,33 điểm phần trăm. Vì vậy, giá điện tăng về cơ bản sẽ không tác động nhiều đến lạm phát năm nay.

Nhưng xét trên góc độ sản xuất kinh doanh của HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX thì chi phí tiền điện phải bỏ ra của những đơn vị này sẽ tăng lên khi giá điện tăng. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của các thành viên, người lao động.

Bà Nguyễn Thị Kim Thùy cho biết một khi nghe tin giá điện tăng thì các cơ sở sản xuất, cung ứng một số nguyên liệu, sản phẩm gián tiếp phục vụ sản xuất cho HTX (đá cây, đá viên, bao bì, thức ăn chăn nuôi...) cũng sẽ tăng giá, cộng thêm với giá điện tăng sẽ kéo theo chi phí sản xuất của HTX tăng lên đáng kể. Điều này khiến HTX có thể phải lựa chọn tăng giá sản phẩm. Nhưng nếu vậy, sản phẩm của HTX sẽ bị giảm mức độ cạnh tranh, bởi trên thị trường có rất nhiều sản phẩm tương tự.

“Nếu cứ giá điện tăng, HTX lại tăng giá hàng hóa thì sẽ không giữ được thị trường, mất khách hàng”, bà Thùy chia sẻ.

Đặc biệt, khi giá điện tăng càng tạo thêm áp lực cho không ít HTX vì vừa qua, nhiều đơn vị bị thiệt hại rất nặng nề bởi cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu bão. Nhiều HTX rơi vào cảnh trắng tay như HTX Phất Cờ (Quảng Ninh), HTX tổng hợp Thiên An (Yên Bái)... Do đó, để khôi phục sản xuất, đảm bảo hàng hóa phục vụ thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, nhiều HTX đã phải vay vốn từ nhiều nguồn. Trong khi trên thị trường, hàng loạt khó khăn như giá vật tư đầu vào, giá con giống cũng tăng. Điều này sẽ tạo ra liên hoàn khó khăn cho HTX.

Thích ứng để vượt qua 

Trong tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, để có thể “sống” được trong điều kiện giá điện luôn tăng chứ chưa khi nào giảm, phương án tăng giá thành sản phẩm là việc cực chẳng đã đối với một số HTX.

Trong điều kiện như vậy buộc HTX phải tìm cách thích ứng nếu không sẽ rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí phải giải thể vì chi phí đầu tư cho sản xuất kinh doanh đang trên đà "đội lên".

Để thích ứng trong điều kiện này, nhiều HTX đã buộc phải tự động viên chính mình, lên kế hoạch sản xuất với mong muốn tiết kiệm được chi phí tiền điện phần nào sẽ hay phần đó.

Ông Nguyễn Trọng Long cho biết, giá điện tăng 5-7% dù là điều không mong muốn nhưng từ trước đến nay đã quen với việc chưa thấy giá điện giảm. Do đó, thay vì “sốc”, các thành viên đã chuẩn bị kỹ tư tưởng và dần quen với điều đó.

Việc cần làm hiện nay của HTX là thay đổi giờ sử dụng điện, điều chỉnh sử dụng điện vào giờ thấp điện để hạn chế sự cố và đảm bảo tiêu hao ít điện, từ đó hạn chế số tiền điện mà HTX phải trả. “Điều này có thể giúp mô hình sản xuất của HTX giảm khoảng vài triệu mỗi tháng”, ông Long nói.

Theo tính toán của ngành chức năng, giá thịt lợn nếu tăng trung bình 10% thì sẽ khiến CPI tăng 0,34 điểm phần trăm. Do đó, ngoài sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, các HTX chăn nuôi còn thực hiện chăn nuôi an toàn, sản xuất tuần hoàn để không chỉ bảo đảm chất lượng hàng hóa , bình ổn thị trường mà còn giúp giảm chi phí đầu tư.

Ngoài phương án tiết kiệm điện, một số HTX đang tính toán đến phương án đầu tư, mở rộng hệ thống năng lượng mặt trời để vừa hoàn thiện mô hình sản xuất bền vững, vừa thích ứng với thực trạng giá điện tăng, từ đó hạn chế khó khăn, áp lực trong đầu tư sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Sỹ Bình, Giám đốc HTX dịch vụ lâm nghiệp Thanh Thủy (Nghệ An) cho biết, hệ thống điện năng lượng mặt trời giúp HTX chủ động được nguồn điện, làm lợi cho HTX, giúp HTX tiết giảm chi phí sàn xuất. Do đó, việc tính toán để mở rộng hệ thống điện mặt trời đến từng hộ thành viên cũng là một trong những kế hoạch của HTX nhằm thích nghi về lâu dài và chủ động cân đối chi phí. Bởi không chỉ giá điện tăng lên hơn 2.100 đồng/kWh mà giá xăng trước đó ít ngày cũng đã tăng gần 1.300 đồng/lít.

Huyền Trang


Tác giả: Liên hoàn khó khăn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật