Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Thương mại điện tử sẽ là xu thế tất yếu
Sáng 5/6, tại Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm rõ thêm các vấn đề thuộc lĩnh vực Công Thương.
Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết: Trong phiên chất vấn liên quan đến Bộ Công Thương đã tập trung vào 2 lĩnh vực hết sức quan trọng, đó là thương mại điện tử và triển khai hiệu quả các hiệp định FTA, cũng như là các vấn đề liên quan đến phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ.
Theo Phó Thủ tướng, rất nhiều ý kiến đã được trao đổi, cũng như đặt câu hỏi và tranh luận lại. Những ý kiến của các đại biểu đã tập trung, xác định rất đúng các vấn đề, nguyên nhân tồn tại và những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 5/6. Ảnh: Công Thắng |
Giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến thương mại điện tử, Phó Thủ tướng khẳng định, thứ nhất, thương mại điện tử sẽ là xu thế tất yếu và sẽ thay thế dần các chợ, các cửa hàng theo thương mại truyền thống.
“Ở Mỹ tăng đến 35%, ở Việt Nam trong thời gian qua vừa qua tăng 25%. Đây là xu thế phải khẳng định”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai, về mặt pháp luật, Liên Hợp Quốc - Ủy ban về thương mại quốc tế đã có luật mẫu và ở Việt Nam có thể cũng chậm so với một số nước nhưng từ năm 2006 và đến nay đã có nhiều lần, trong đó lần thứ 2 bổ sung, sửa đổi liên quan đến thương mại điện tử. Điều đó cho thấy, cơ quan chức năng đã quan tâm khá toàn diện, có Luật về bảo vệ hộ người tiêu dùng, có Luật về giao dịch điện tử ban hành năm 2023, cũng như các Nghị định có liên quan.
“Chúng ta đã có những Nghị định liên quan để tập trung vấn đề này và đặc biệt trong phát triển ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam đã xây dựng được dữ liệu về dân cư lần đầu tiên ở Đề án số 6. Điều này có rất nhiều thuận lợi để giải quyết”, Phó Thủ tướng chỉ ra.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhất trí về các vấn đề của đại biểu đặt ra liên quan đến đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo về bí mật dữ liệu cá nhân cũng như phòng, chống hàng lậu, hàng giả, lừa đảo trên mạng.
Thứ nhất, mặc dù đã có nhiều bộ luật nhưng rõ ràng việc cập nhật để có sự thống nhất trong vấn đề khi đưa ra các luật từ Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, cũng như các luật có liên quan để ban hành các nghị định mà trong đó có sự tích hợp từ các chính sách của các luật là hết sức cần thiết, nên việc để triển khai tiếp tục thể chế hóa và cụ thể pháp luật là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
Thứ hai, liên quan đến vấn đề an toàn thương mại điện tử, Phó Thủ tướng hoàn toàn đồng tình vấn đề làm sao thể chế hóa sớm để có thể quản lý được các nền tảng mạng xã hội, những nền tảng nào tham gia có dịch vụ thì cần phải yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, tuy nhiên cũng cần phải tính toán hài hòa với pháp luật quốc tế. Đồng thời, đưa ra các tiêu chí cụ thể liên quan đến an ninh mạng, dữ liệu, giao dịch, hợp đồng, định danh, chữ ký điện tử… Nếu làm được điều này, có thể thông qua trí tuệ nhân tạo để quản lý các hoạt động trên môi trường số, trong đó quản lý định danh người bán trên thương mại điện tử.
“Chúng ta hoàn toàn có thể tính tích hợp được thuế, thanh toán và thậm chí có thể tính toán nếu kết hợp với dữ liệu cá nhân. Đồng thời, những quy định về an ninh mạng là hết sức cần thiết, trong đó có vấn đề liên quan đến bảo vệ các thông tin về cá nhân”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, vấn đề kỹ thuật, pháp lý và tổ chức thực hiện là hết sức cần thiết. “Tôi đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông nên nghiên cứu xây dựng một nền tảng cho Việt Nam để có thể tích hợp tất cả các hoạt động, từ vấn đề định danh công nghệ, an ninh về công nghệ cho đến vấn đề liên quan đến thanh toán hải quan, cũng như vấn đề liên quan đến thành lập logistics đồng bộ và kiểm soát thông qua các hệ thống này. Như vậy, chúng ta có thể lập ra cơ quan đa ngành để giám sát được tất cả hoạt động và các hoạt động này giúp nắm được tất cả các khâu, mà không phải chỉ trên môi trường số. Thực tế hoàn toàn có thể quản lý thông minh hơn, thậm chí tốt hơn trên môi trường truyền thông”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giải thích.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho hay, yêu cầu của các đại biểu về việc cắt giảm các thủ tục hành chính là hoàn toàn có thể làm được. Về thủ tục đăng ký, thủ tục cấp phép, cũng như về các thủ tục thuế hải quan kê khai...
Liên quan đến thu hút đầu tư, FDI,… Phó thủ tướng cho biết: Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định và sắp tới còn hơn nữa, nhưng rõ ràng nhìn nhận về lợi ích mang lại cho Việt Nam chưa lớn.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn |
“Việc triển khai nhanh chóng để đáp ứng hài hòa các quy định từ các hiệp định thương mại này để luật hóa, đó là yêu cầu bắt buộc. Một số vấn đề để giải quyết xung đột thương mại, trong đó tranh chấp thương mại quốc tế, tranh chấp thương mại trong nước, giải quyết vấn đề tài sản, cũng như các vấn đề liên quan phá sản. Những vấn đề này trong thời gian qua ngay cả doanh nghiệp trong nước cũng làm chậm và đây là quan ngại rất lớn”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, đánh giá về thông tin thị trường của các nước tham gia Phó Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp, ngoài các doanh nghiệp nhà nước thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể nói là năng lực rất kém; chưa có thông tin đầy đủ về môi trường pháp lý cũng như các chính sách của các thị trường mà có hiệp định.
Phó thủ tướng đề nghị việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để từ đó giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt được sự thay đổi và đáp ứng kịp thời liên quan đến các chính sách của thị trường thương mại. Đồng thời, phải dựng lên hàng rào thương mại kỹ thuật để có thể bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, cũng như có những hỗ trợ từ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin cho đến vấn đề đầu tư tài chính.
“Vấn đề thu hút FDI là một trong những điều mà chúng ta phải tạo cho các doanh nghiệp nước nhà có thể phát triển. Tức là phải đưa ra tiêu chí chặt chẽ hơn đối với FDI, phải đưa vào các lĩnh vực mới, công nghệ mới nổi và phải cam kết về vấn đề nghiên cứu cũng như chuyển giao công nghệ để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào công nghiệp phụ trợ trong các hệ sinh thái, các lĩnh vực đầu tư như là trung tâm đối với năng lượng tái tạo, hay các lĩnh vực sẽ xây dựng như đường sắt cao tốc, công nghệ cao hoặc trong các lĩnh vực về năng lực khác”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, lĩnh vực về chế biến, sản xuất nông nghiệp rất nổi trội nên đề nghị những vấn đề này cần phải hài hòa được với pháp luật, cũng như là có những hàng rào và những chính sách để thu hút đầu tư.
Trả lời ý kiến của Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn Phú Thọ về vấn đề thời điểm chuyển giao Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm và Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ, Phó Thủ tướng hoàn toàn đồng tình.
“Chủ trương là các cơ sở đào tạo, các bộ, ngành sẽ dần dần chuyển giao để giao đúng cho cơ quan quản lý nhà nước. Tất nhiên, các trường có thể ở tập trung ngay tại các doanh nghiệp sản xuất cũng có các trường, các địa phương cũng có các trường và trung ương cũng có các trường. Trong trường hợp này tôi ủng hộ nên xem xét để chuyển về cho cơ quan quản lý là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc chuyển về cho địa phương để trực tiếp quản lý. Đấy là xu thế mà Bộ Chính trị đã có chủ trương, nhưng tất nhiên là phải có lộ trình xem khả năng tiếp nhận”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nói.
Liên quan đến câu hỏi của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn TP. Hồ Chí Minh nói về rác thải điện tử, rác thải nhựa. Phó Thủ tướng cho biết: Đối với loại rác thải nhựa Luật bảo vệ môi trường đã đề xuất rất đầy đủ.
Thứ nhất, cấm một số loại rác thải nhựa mà không phân hủy. Thứ hai, đề ra trách nhiệm của bên thứ ba, tức là các nhà đầu tư kinh doanh thương mại phải chịu mở rộng trách nhiệm liên quan đến thu gom và xử lý đến cùng. Thứ ba, đối với rác thải điện tử sẽ áp dụng đúng như là trường hợp mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà đầu tư, tức là họ phải có trách nhiệm đến cùng trong khâu thu gom các sản phẩm khi đã hết hạn sử dụng và xử lý các chất thải.
“Trong rác thải điện tử 80% là cần phải tái chế và sử dụng lại, đây là những vật liệu quý hiếm, những vật liệu mà có thể nói là có giá trị nên cũng không ai bỏ đi. Tuy nhiên, đòi hỏi về công nghệ cao và trong chính sách phát triển liên quan đến điện tử, công nghệ mới thì cơ quan chức năng sẽ đặc biệt lưu ý”, Phó Thủ tướng thông tin thêm.