Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường từ tuyến cơ sở

Sáng 14/8, tại Trung tâm Y tế (TTYT ) quận Tây Hồ, Sở Y tế Hà Nội tổ chức khai giảng khoá đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về bệnh lý tăng huyết áp và đái tháo đường cho bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng thuộc TTYT quận, huyện, thị xã đợt 1.

Trong đợt 1, khoá đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức làm 3 lớp, trong đó có 2 lớp dành cho bác sĩ, y sĩ, 1 lớp dành cho điều dưỡng, với tổng số 1.137 học viên đăng ký tham gia. Giảng viên là các y, bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội.

Bệnh tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây nên tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và tử vong. Trong đại đa số các trường hợp, tăng huyết áp xảy ra không có triệu chứng gì. Chính vì vậy, tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Quản lý bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường từ tuyến cơ sở

TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội phát biểu khai giảng lớp đào tạo

Ở Việt Nam, theo số liệu của Viện Tim mạch Quốc gia, tỷ lệ bị tăng huyết áp ở người trưởng thành năm 2009 là 25,4% và đã tăng lên hơn 40% vào năm 2016.

Đối với bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, đặc điểm là tăng glucose máu do khiếm khuyết về tiết insulin, hoặc do rối loạn tác động của insulin, hoặc cả hai.

Việc tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbonhydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Theo kết quả điều tra STEPwise về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện năm 2015, ở nhóm tuổi từ 18-69, cho thấy tỷ lệ đái tháo đường toàn quốc là 4,1%, tiền đái tháo đường là 3,6%.

Phát biểu khai giảng khoá đào tạo, bồi dưỡng, TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết: Ngành Y tế đã tham mưu thành phố xây dựng Đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội đến năm 2030, với mục tiêu phát triển hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe theo vùng và theo các cấp khám bệnh, chữa bệnh được phân công (ban đầu, cơ bản, chuyên sâu), chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở.

Trong đó, phát triển các phòng khám đa khoa và trạm Y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại cấp ban đầu, đặc biệt các Trung tâm Y tế cần làm tốt việc quản lý, chăm sóc bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp và đái tháo đường ngay tại địa phương.

Thông qua các khóa đào tạo bồi dưỡng rất thiết thực này, giúp cán bộ y tế nắm được quy trình khám, tư vấn, quản lý bệnh nhân mắc tăng huyết áp và đái tháo đường.

Quản lý bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường từ tuyến cơ sở

Toàn cảnh lớp tập huấn

TS Nguyễn Đình Hưng cho biết, riêng bệnh đái tháo đường tổng chi phí từ quỹ bảo hiểm y tế chiếm khoảng 4,5%, nếu chúng ta làm tốt được việc này giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Việc chẩn đoán, điều trị, dự phòng sớm đối với bệnh nhân mắc tăng huyết áp và đái tháo đường ngay tại tuyến y tế cơ sở là vô cùng quan trọng, giúp giảm tỷ lệ người mắc, biến chứng, tăng cường các biện pháp điều trị, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

TS Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng ngoài việc đào tạo nâng cao kiến thức, tay nghề cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở, còn thực hiện kết nối trực tiếp với Bệnh viện Tim Hà Nội, đây là bệnh viện tuyến thành phố, được Bộ Y tế công nhận là tuyến cuối của trung ương.

Bệnh viện đã hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý; giảm quá tải tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên cũng như cứu sống nhiều người bệnh.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật