Quy hoạch đường vành đai: “Cuộc cách mạng” đô thị tại Vùng Thủ đô
Bộ đôi “siêu vành đai” 4 và 3,5 được ví như “cuộc cách mạng” đô thị giúp mở rộng không gian phát triển của Vùng Thủ đô. “Bệ phóng” này cũng giúp thị trường bất động sản tăng trưởng đột phá, đặc biệt là tại những nơi đã có sẵn hạ tầng, tiện ích đồng bộ và hiện đại như khu bờ Đông sông Hồng.
“Siêu động lực” phát triển Vùng Thủ đô theo mô hình đa cực
Tuyến Vành đai 4 sắp được triển khai đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, với tổng mức đầu tư lớn nhất và tiến độ thần tốc nhất từ trước đến nay, được đánh giá là một “cuộc cách mạng” về hạ tầng đô thị tại Vùng Thủ đô.
Dự án có chiều dài 112,8 km, tổng mức đầu tư 85.800 tỷ đồng, được Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư tháng 6/2022. Ngay sau đó, tháng 8/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết giao quyền nhiều hơn cho các địa phương cũng như rút ngắn thời gian triển khai các thủ tục với mục tiêu khởi công toàn tuyến vào tháng 6/2023, hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.
Cùng lúc, dự án Vành đai 3,5 cũng tăng tốc trở lại khi TP. Hà Nội dự kiến rót thêm gần 2.500 tỷ đồng xây dựng nút giao với Đại lộ Thăng Long. Đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài hơn 9,2 km cũng đang được đầu tư xây dựng đoạn từ QL5 đến ĐT379. Dự kiến, đến hết năm 2025, gần 90% tuyến đường (tương đương 40,1 km/45,64 km) sẽ được đầu tư theo quy hoạch và sẽ khép kín khi cầu Ngọc Hồi hoàn thành, tạo sự kết nối 2 bờ Bắc - Nam sông Hồng.
Khu vực phía Đông được đánh giá có nhiều dư địa phát triển mạnh mẽ bởi hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại. |
Theo các chuyên gia, bộ đôi “siêu vành đai” không chỉ giúp hoàn thiện hệ thống đường bộ của Vùng Thủ đô, kết nối xuyên suốt đến cả 10 địa phương phía Bắc, mà còn là bàn đạp tiếp cận các khu vực kinh tế, các cửa ngõ hàng hải, hàng không xung quanh. Đồng thời, với vai trò “Vành đai kết nối mọi vành đai”, 2 tuyến đường sẽ mở ra những không gian phát triển mới đầy triển vọng trong tương lai, thúc đẩy hình thành các siêu đô thị mô hình đa cực, tạo sức hút dịch chuyển cư dân, giúp giảm tải cho nội đô Hà Nội.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên khẳng định có thể hình dung ra sự bùng nổ mạnh mẽ khi các tuyến “siêu vành đai” được hình thành. Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra 3 hiệu ứng mà động lực đột phá về hạ tầng mang lại cho khu vực.
Thứ nhất, khi các tuyến vành đai khép kín, hành lang công nghiệp sẽ phát triển, các khu công nghiệp sẽ được định hình rõ ràng, mạnh mẽ hơn, nhưng không phải là công nghiệp mô hình cũ mà là các khu công nghiệp đẳng cấp cao. Thứ hai, hoạt động vận tải và các tuyến logistic sẽ kết nối và lan tỏa mạnh mẽ hơn, sôi động hơn. Thứ ba, các đô thị, chuỗi đô thị đẳng cấp cao sẽ ra đời, tạo nên không gian kết nối tốt, bảo đảm cuộc sống theo đúng tiêu chuẩn bền vững.
Khu Đông Hà Nội như “hổ mọc thêm cánh”
Với lợi thế áp sát trung tâm Hà Nội, khu Đông được đánh giá là “tọa độ hoàng kim” hưởng lợi kép khi kế cận cả 2 tuyến “siêu vành đai”.
Về hạ tầng giao thông, khu Đông đang sở hữu mạng lưới đường bộ quy mô và đồng bộ bậc nhất phía Bắc khi kết nối trực tiếp hàng loạt tuyến cao tốc, quốc lộ huyết mạch đi tất cả các hướng. Về phía Đông có cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, QL 5; về phía Bắc có cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai, QL5 kéo dài; về phía Nam có cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, QL1A. Thông qua mạng lưới đường bộ này, việc tiếp cận các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi hay cảng biển Hải Phòng lớn nhất phía Bắc cũng vô cùng nhanh chóng.
Bên cạnh đó, nhiều công trình nghìn tỷ đã hòa vào mạng lưới giao thông thành phố và quốc gia như: đường Trường Sa - Hoàng Sa, nút giao Cổ Linh, đường Lý Thánh Thông, đường đô thị song hành cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng… tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển theo nhiều hướng khác nhau.
Cầu Vĩnh Tuy 2 khi đi vào hoạt động sẽ góp phần vào hạ tầng siêu kết nối tại khu vực phía Đông. |
Hạ tầng khu Đông còn thăng hạng nhờ gần chục cây cầu giúp xóa nhòa mọi khoảng cách địa lý giữa 2 bờ sông Hồng. Ngoài cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân đã vận hành, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hiện đã đạt gần 70% tiến độ, dự kiến thông xe từ Quý III/2023. Đặc biệt, thời gian tới, hàng loạt cây cầu khác được khởi công, gần nhất là cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi (khép kín Vành đai 3,5), cầu Mễ Sở (khép kín Vành đai 4), sẽ tạo đà để cả khu vực cất cánh.
Về hạ tầng xã hội, chỉ trong chưa đầy 10 năm được dồn lực đầu tư, khu Đông đã lột xác trở thành một hình mẫu phát triển của Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô. Tiềm năng của khu Đông còn thu hút hàng loạt nhà phát triển bất động sản lớn như Vingroup, Ecopark… rót vốn, với những dự án tầm cỡ lên tới cả tỷ USD, kiến tạo nên những đại đô thị tiện nghi, hiện đại, hạ tầng tiện ích đồng bộ. Đây cũng chính là những “thỏi nam châm” hút hàng chục nghìn cư dân sang sông, tạo nên một “Hà Nội mới” ở phía Đông sôi động và đáng sống, không kém gì các đô thị hàng đầu thế giới.
“Trong khi các quận trung tâm Hà Nội có không gian công cộng chật hẹp, quá tải thì các khu trung tâm mới lại đáp ứng đầy đủ hệ thống trung tâm thương mại, trường học liên cấp quốc tế, công viên cây xanh, bệnh viện 5 sao... hình thành khu vực sống tiện nghi, văn minh hơn. Điều này góp phần quan trọng để giải bài toán đô thị hóa và giãn dân lâu nay Hà Nội đang loay hoay”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, lý giải.
Cũng theo các chuyên gia, hạ tầng giao thông là một trong những cú hích quan trọng thúc đẩy đô thị hóa và sự tăng trưởng của thị trường BĐS. Do đó, tất cả những khu vực có tuyến đường Vành đai 4 và 3,5 đi qua, thị trường đều hứa hẹn những tín hiệu tích cực. Trước đó, các tuyến Vành đai 2, Vành đai 3 Hà Nội sau khi được mở rộng cũng khiến giá BĐS tăng vọt. Đặc biệt, những khu vực đã có sẵn hạ tầng giao thông và xã hội đồng bộ, hiện đại như khu Đông, khi các tuyến Vành đai 4, và 3,5 hoàn thành, thị trường BĐS sẽ chẳng khác gì “hổ mọc thêm cánh”.
H.C