Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiết lập đề án xử lý ô nhiễm môi trường về bụi mịn

UBND TP Hà Nội đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường thiết lập đề án xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó nêu rõ mối liên hệ của Hà Nội với 10 tỉnh, TP trong vùng về phát thải phương tiện giao thông, bụi mịn PM 0,25.

Đó là một trong những nội dung được Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn chia sẻ tại buổi làm việc giữa Đoàn ĐBQH TP Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, MTTQ TP Hà Nội trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã chủ trì buổi làm việc.

Thiết lập đề án xử lý ô nhiễm môi trường về bụi mịn

Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc

Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 2,6% so với cùng kỳ

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân đã thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2024 của TP Hà Nội. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP là 191.028 tỷ đồng, đạt 46,8% dự toán (tăng 2,6% so với cùng kỳ). Tổng chi ngân sách địa phương TP Hà Nội 4 tháng đầu năm là 27.964 tỷ đồng, đạt 19,1% dự toán đầu năm (tăng 13,4% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc. Trong tháng 4/2024, TP Hà Nội thu hút 176,8 triệu USD vốn FDI.

Lĩnh vực quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị chuyển biến tích cực; công tác phát triển nhà ở được quan tâm đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị được duy trì tốt. Trong 4 tháng, TP đã chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn và các kế hoạch, chương trình, đề án về lĩnh vực môi trường, khoáng sản, tài nguyên. Trong đó, tập trung công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô bảo đảm không cản trở mặt bằng thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh các thủ tục để tăng tốc triển khai dự án; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy điện rác Seraphin...

Hội nghị cũng nghe báo cáo về kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV; báo cáo công tác kiểm sát, tòa án; các nội dung chủ yếu Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tình hình triển khai và nội dung đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Thiết lập đề án xử lý ô nhiễm môi trường về bụi mịn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Thi nêu ý kiến tại buổi làm việc

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội đề nghị TP quan tâm giải quyết vấn đề nước sạch sinh hoạt, bảo đảm thu nhập cho công nhân môi trường; giải quyết vướng mắc về cơ chế thanh toán cho doanh nghiệp vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến để người tiêu dùng tăng cường sử dụng túi nilon tự hủy, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và có chế tài thực hiện để đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo vệ Môi trường; đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo sông Tích trên địa bàn huyện Thạch Thất; đề nghị TP có hướng dẫn cụ thể về sắp xếp đơn vị hành chính...

Thiết lập đề án về xử lý ô nhiễm môi trường

Trao đổi về những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, thay mặt UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn đã tiếp thu và có trao đổi kỹ liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, TP đã nhận diện, nhận diện và nhận thức đầy đủ về ô nhiễm môi trường không khí, nước, xử lý chất thải rắn cũng như chất lượng môi trường liên quan đến đa dạng sinh học, vùng vành đai xanh của Thủ đô. Hiện TP đang nghiên cứu mô hình xanh, mục tiêu tạo đô thị hiện đại, xanh thông minh để bảo đảm yếu tố kiến tạo giá trị xây dựng môi trường.

Thiết lập đề án xử lý ô nhiễm môi trường về bụi mịn

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

UBND TP đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường thiết lập đề án xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó nêu rõ mối liên hệ của Hà Nội với 10 tỉnh, TP trong vùng về phát thải phương tiện giao thông, bụi mịn PM 0,25.

Về môi trường nước, UBND TP đã chỉ đạo giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thiết lập đề án kiến tạo lại môi trường nước của các con sông bị ô nhiễm trầm trọng như Tô Lịch, Kim Ngưu; Sét... Đến nay, đề án cơ bản hoàn thành, kinh phí xử lý lớn; chủ đạo là xử lý sông Tô Lịch; TP cũng có nhà máy nước thải Yên Xá để xử lý vào năm 2025…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng với TP Hà Nội khi xem xét thông qua Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch lớn của Hà Nội.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến trao đổi của các đại biểu, trong đó nhấn mạnh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức song TP Hà Nội đã cố gắng nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm đạt kết quả tốt.

Đối với vấn đề môi trường mà các đại biểu nêu, thay mặt lãnh đạo TP, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, chưa nhiệm kỳ nào TP dành sự quan tâm cho vấn đề môi trường nhiều như vậy. Trọng tâm là triển khai Dự án nhà máy nước thải Yên Xá; làm “sống” lại các con sông Tích, sông Đáy; xây dựng trạm bơm Liên Mạc; xây dựng nhà máy điện rác thải Seraphin; các dự án nước sạch nông thôn...

Nhấn mạnh kỳ họp thứ 7 tới đây của Quốc hội rất quan trọng với Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các ĐBQH, các cơ quan của TP tiếp tục nghiên cứu các nội dung dự kiến kỳ họp xem xét, thông qua; UBND TP tiếp thu ý kiến các đại biểu để tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật