Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội: 95% sinh viên ra trường có việc làm
Nhờ đổi mới công tác đào tạo, tuyển sinh, hiện sinh viên của Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội đạt trên 95% ra trường có việc làm.
TS. Đồng Trung Chính - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội - cho biết: Tính đến hết ngày 13/10/2023, số lượng sinh viên nhập học cao đẳng chỉ đạt khoảng 600 - 650 sinh viên. Nguyên nhân một phần do năm 2023, chính sách quản lý, tổ chức đào tạo của ngành giáo dục tiếp tục có sự thay đổi, gây ảnh hưởng đến tâm lý người học. Bên cạnh đó, 10 năm trở lại đây, hệ thống các trường đại học được thành lập mới rất nhiều. Thời gian, phương thức, điều kiện tuyển sinh của đại học được nới rộng, chỉ tiêu tuyển sinh rất cao tạo cơ hội thu hút vào đại học rất cao nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyển sinh cao đẳng của các trường nói chung và Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội nói riêng…
Hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, tuyển dụng Ảnh: Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội |
Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển và ổn định, Ban giám hiệu nhà trường liên tục có những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác tuyển sinh và chất lượng đầu vào. Theo đó, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá hình ảnh hoạt động, thương hiệu, công tác tuyển sinh của nhà trường đến người học và xã hội trên các nền tảng mạng xã hội; tiếp cận và phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo dục trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên để tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh.
Đồng thời, đổi mới công tác quản lý, giảng dạy, phương pháp, mô hình đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp nhằm giúp nâng cao tay nghề, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc thực tế cho sinh viên. Giải quyết tốt việc làm đầu ra cho sinh viên khi tốt nghiệp, giúp người học yên tâm, tin tưởng lựa chọn và theo học.
Có thể khẳng định, thành công lớn nhất của nhà trường trong thời gian qua đó chính là đã liên kết hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, tổ chức giáo dục trong và ngoài nước để xây dựng giáo trình giảng dạy. Dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, nhà trường đã đổi mới chương trình và phương thức đào tạo; áp dụng công nghệ vào quá trình giảng dạy; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.
Theo đó, nhà trường đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo cho giảng viên và các cán bộ quản lý trong trường về nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và sứ mệnh của nhà trường trong chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế số thông qua triển khai xây dựng chương trình đào tạo, các môn học có ứng dụng công nghệ đào tạo mới.
Ngoài ra, nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các trường, học viện ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế để đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý sử dụng và thực thi xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức dạy học theo ứng dụng CMCN 4.0 (Cliton, hiton, tập đoàn Laurus, tổ chức Aus4skills của Úc, Snieder của Đức…).
Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn sinh viên tiếp cận, học tập theo công nghệ mới, phương pháp mới có sự tham gia của doanh nghiệp trên dây chuyền, công nghệ, phương pháp thực tế tại doanh nghiệp.
Nhà trường đã gắn chặt các hoạt động gắn kết với hàng chục doanh nghiệp để sinh viên được tiếp cận, học nghề theo công nghệ kỹ thuật mới nhất, hiện đại nhất mà doanh nghiệp đang ứng dụng. Đặc biệt, doanh nghiệp theo các nghề đào tạo đã phối hợp với nhà trường xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo và quản lý các chương trình theo hình thức một phần tại nhà trường, một phần tại doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và đánh giá kết quả. Đồng thời, doanh nghiệp cam kết tuyển dụng với sinh viên đạt yêu cầu ngay khi đang học tại trường. “Nhờ đó, đến nay trên 95% sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay, nhiều trường hợp các em sinh viên năm cuối đã được doanh nghiệp nhận về làm ngay sau khi tốt nghiệp” - TS. Chính chia sẻ.