Điểm sáng trong hoạt động công đoàn ở một trường học
Chăm lo cho cán bộ, nhà giáo, người lao động là nhiệm vụ quan trọng của Công đoàn ở các trường học. Điều này không những đảm bảo tính đặc trưng của tổ chức công đoàn, mà còn tạo sức mạnh đoàn kết để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những năm qua Trường Trung học phổ thông Thanh Chương 3 đã có nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa để cụ thể hoá vai trò này.
Chăm lo toàn diện cho đoàn viên, người lao động và học sinh
Trường THPT Thanh Chương 3 nằm trên vùng Cát Ngạn, phía Tây của huyện Thanh Chương với địa bàn tuyển sinh hơn 10 xã. Năm 2009, theo dự án tái định cư của Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, địa bàn tuyển sinh của trường có thêm học sinh của xã Thanh Sơn - một xã từ bản Lả, bản Vẽ (dân tộc Thái), bản Xốp Pột - Kim Đa (dân tộc Khơ mú) huyện Tương Dương chuyển về học tập. Trong 10 xã vùng tuyển sinh của trường thì có đến 3 xã nằm ở vùng biên giới, gồm Hạnh Lâm, Thanh Đức, Thanh Sơn. Đây là vùng có diện tích rộng và địa hình phức tạp, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ khá cao. Để chăm lo tốt cho đội ngũ cán bộ nhà giáo, người lao động công đoàn đã tham mưu tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.
Khuôn viên Trường THPT Thanh Chương 3. Ảnh: ĐVCC |
Dịp 20/10 hàng năm, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở chủ động tham mưu với Đảng ủy, phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức khám bệnh cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, nhằm kiểm tra sức khỏe, tầm soát một số bệnh để điều trị kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe cho công đoàn viên và học sinh trong đơn vị. Qua khám và tầm soát bệnh, một số đoàn viên, người lao động được phát hiện bệnh và được đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện tận tình tư vấn hướng điều trị. Từ đó giúp đoàn viên, người lao động an tâm hơn trong công tác giảng dạy, đầu tư cho chuyên môn ngày càng đạt chất lượng cao hơn.
Đối với học sinh, ngay từ đầu năm học, công đoàn phối hợp Trung tâm Y tế huyện tiến hành khám sức khỏe cho toàn thể học sinh; Phối hợp Chi cục Dân số, Trung tâm Y tế huyện Thanh Chương, Tỉnh đoàn Nghệ An khám và tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên miễn phí cho các em. Việc vận dụng chương trình này đã tiết kiệm được kinh phí đồng thời khám và tư vấn diện rộng, tránh được tình trạng thiếu hiểu biết về sức khỏe và giới tính. Ngoài ra Công đoàn chủ động hướng dẫn nhóm học sinh xây dựng trang web về giáo dục giới tính và sản phẩm đã đạt giải 3 tại cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Nghệ An năm 2022.
Với nhiều hoạt động ý nghĩa, Công đoàn Trường THPT Thanh Chương 3 thường xuyên được Công đoàn cấp trên khen thưởng, ghi nhận. Ảnh: ĐVCC |
Hàng năm công đoàn đều tổ chức giải thể thao bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn giữa các tổ công đoàn vừa nâng cao sức khỏe vừa tạo không khí thi đua sôi nổi vui vẻ trong nhà trường, tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao với các đơn vị bạn vừa gây dựng tình cảm để vừa rèn luyện sức khỏe và hỗ trợ nhau lúc cần thiết. Các hoạt động như đền ơn đáp nghĩa, tổ chức đêm Trung thu cho các cháu, tặng quà động viên cho các cháu có thành tích học tập tốt, gặp mặt “dâu rể”, giao lưu với các đơn vị bạn cũng là những điểm nhấn trong phong trào của hoạt động Công đoàn những năm gần đây…
Ngoài ra, Công đoàn trường luôn sâu sát quần chúng nắm bắt được hoàn cảnh từng người để kịp thời động viên, giúp đỡ, cùng với nhà trường động viên vật chất và tinh thần đoàn viên như: Tổ chức thăm hỏi, động viên đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, gia đình đoàn viên có việc hiếu, việc hỷ đều có mặt kịp thời, giúp đỡ tận tình, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng mọi người, trong lòng các gia đình cán bộ giáo viên.
Bếp ăn tập thể - Công trình hạnh phúc
Với địa bàn rộng, đồi núi đèo dốc, khoảng cách rất xa (điểm xa nhất xấp xỉ 20km), đường đến trường của thầy và trò nhất là giáo viên và học sinh ở những xã vùng biên rất gian nan vất vả. Một số học sinh phải thuê nhà ở trọ để học, còn số đông phải ở lại trưa tại trường để tiếp tục học buổi chiều. Thực tế đó dẫn đến việc nhiều em học sinh phải cơm đùm cơm nắm, ngồi góc lớp học hay gốc cây để dùng bữa trưa tạm bợ chờ buổi học chiều, những học sinh có điều kiện khá hơn thì ghé quán xá với bữa cơm giá cao nhưng chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình trạng này còn dẫn đến hệ luỵ là nhiều em tranh thủ giờ nghỉ trưa để la cà quán xá chơi games, dễ dàng rơi vào các tệ nạn xã hội hoặc ảnh hưởng sức khỏe trong điều kiện dịch bệnh, tác động không tốt tới sức khỏe, trí tuệ, thói quen sinh hoạt, thậm chí là nhân cách học sinh.
5 gian nhà cũ được sửa chữa thành bếp ăn tập thể khang trang dành cho cán bộ, giáo viên, lao động và học sinh của trường. Ảnh: Trần Vân |
Băn khoăn trăn trở trước vấn đề đó, Công đoàn trường đã tham mưu với nhà trường xây dựng bếp ăn để phục vụ giáo viên, học sinh tại trường, vừa đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh và giáo viên vừa thể hiện được tinh thần trách nhiệm, sự yêu thương đối với học sinh và sự quan tâm với đồng nghiệp. Chỉ sau 1 thời gian ngắn, hơn 300 triệu đồng đã được vận động để sơn sửa, xây dựng 5 gian nhà cũ thành nhà ăn khang trang sạch đẹp, có thể phục vụ cùng lúc cho 100 học sinh và giáo viên.
Hình thành bếp ăn đã khó nhưng vận hành bếp ăn càng khó hơn. Để có bữa ăn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, ngoài việc trồng và cung cấp rau xanh tại chỗ, công đoàn trường đã tìm nhiều giải pháp sát thực, trong đó trọng tâm là thực hiện tốt việc huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp, các bậc phụ huynh, nhà hảo tâm và cựu học sinh hỗ trợ gạo, thực phẩm, gas…
Đoàn thanh niên chăm sóc vườn rau để phục vụ bếp ăn tập thể. Ảnh: ĐVCC |
Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, thấy được vai trò tác dụng của bếp ăn đối với học sinh và sự minh bạch trong việc sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, các bậc phụ huynh và mạnh thường quân còn ủng hộ, mua sắm và đóng góp thêm nhiều hiện vật có giá trị cho nhà trường như: Máy lọc nước công nghiệp giá trị 22 triệu, bếp công nghiệp 30 triệu, tủ đựng bát, bình nóng lạnh, quạt điện… Trong vận hành bếp ăn, nhiều phụ huynh ủng hộ trực tiếp cả thực phẩm tươi sống hàng ngày. Thậm chí, ngay cả bác Lê Văn Lâm - bảo vệ nhà trường cũng dành một phần lương ít ỏi của mình tặng nồi cơm điện, quạt điện.
Cơ sở vật chất của bếp ăn là những món quà từ các cá nhân, các tổ chức đồng lòng, đồng sức cùng chung tay xây dựng; Nguồn gạo của bữa ăn được đem đến bởi những tấm lòng “yêu thương là chia sẻ”; Nguồn rau sạch từ sự gieo trồng chăm bón của Đoàn thanh niên; Bữa ăn được tổ chức bởi sự phối hợp của Công đoàn và Đoàn thanh niên, đã cùng làm nên những bữa cơm ấm cúng, thân thiện, thoải mái, vui vẻ giữa thầy cô với học sinh, học sinh với học sinh. Việc xây dựng, duy trì bếp ăn, quản lý và tổ chức bữa ăn tại trường đã lan tỏa trong nhà trường về tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương, tính khoa học, kỷ luật. Từ căn bếp ấy đã tạo nên sự chuyển biến về mọi mặt trong nhận thức, hiệu quả học tập, nề nếp, nâng cao thể chất tinh thần, khơi dậy lòng nhân ái, nhân rộng lối sống đẹp, tạo một không khí thân thiện đúng tinh thần “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, trường thực sự đã là nhà của cả thầy và trò. Đây là cơ sở tạo sự đồng thuận trong mọi hoạt động khác, tạo nên được nhiều thành công tiếp theo trong công tác vận động tài trợ về trang thiết bị phục vụ học tập cho học sinh, chương trình ủng hộ học sinh nghèo vượt khó học tập, ủng hộ các gia đình có hoàn cảnh éo le.
Nguồn thực phẩm phục vụ bếp ăn thường xuyên được các đơn vị, tổ chức, cá nhân đóng góp. Ảnh: ĐVCC |
Nói về kinh nghiệm hoạt động công đoàn, thầy Nguyễn Nhật Đức - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Thanh Chương 3 chia sẻ: “Đảng ủy nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng nhà trường đã rất quan tâm, ủng hộ và tin tưởng tổ chức công đoàn, tạo mọi điều kiện để công đoàn hoạt động. Cán bộ công đoàn năng động sáng tạo, luôn đi đầu gương mẫu trong mọi hoạt động của nhà trường, thể hiện tính nêu gương trong mọi hoạt động, luôn trăn trở trước mỗi khó khăn và tìm cho đơn vị một lối đi riêng. Đặc biệt, phải có sự thống nhất và đồng thuận công khai để mọi đoàn viên được bàn bạc dân chủ, tham gia xây dựng quy chế cơ quan, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế thi đua khen thưởng và các quy định các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm của đoàn viên. Qua đó cán bộ, giáo viên, người lao động sẽ thấy rõ được quyền và nghĩa vụ của mỗi thành viên trong đơn vị nhằm xây dựng đơn vị phát triển, ổn định, đồng thời giúp cho mối quan hệ lao động, môi trường sư phạm trong đơn vị trở nên thân thiện và cởi mở hơn”.
Bếp ăn là công trình ý nghĩa mang đến niềm vui cho cả các thầy cô và học sinh Trường THPT Thanh Chương 3. Ảnh: ĐVCC |
Đánh giá về hoạt động của Công đoàn trường, đồng chí Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục khẳng định: “Trường THPT Thanh Chương 3 là đơn vị miền núi còn nhiều khó khăn về vật chất, nhưng công đoàn trường luôn đổi mới, sáng tạo, phát huy tốt vai trò trách nhiệm làm được nhiều mô hình hay, nhiều hoạt động ý nghĩa. Công đoàn trường thực sự đã trở thành cầu nối giữa công đoàn với chuyên môn, giữa giáo viên với học sinh, giữa cán bộ nhà giáo người lao động với nhau, giữa phụ huynh với trường, giữa các mạnh thường quân với các hoàn cảnh khó khăn, giữa những tấm lòng, những trái tim với nhau tạo nên tình thầy trò, tình người, tình đồng nghiệp ấm áp” .