Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đi uống cà phê mang theo chim cảnh phải chứng minh nguồn gốc

Lực lượng Kiểm lâm TP Huế đề nghị các chủ quán khi khách đến uống cà phê mang theo chim cảnh, yêu cầu phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Kiểm lâm TP Huế đề nghị các chủ quán khi khách đến uống cà phê mang theo chim cần chứng minh nguồn gốc hợp pháp (Ảnh minh họa)
Kiểm lâm TP Huế đề nghị các chủ quán khi khách đến uống cà phê mang theo chim cần chứng minh nguồn gốc hợp pháp (Ảnh minh họa)

Ngày 13/5, liên quan đến công tác kiểm tra, tuyên truyền ký cam kết về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn TP Huế, Hạt Kiểm lâm liên quận Thuận Hóa - Phú Xuân vừa có báo cáo gửi Chi cục Kiểm lâm TP Huế.

Theo báo cáo, thời gian qua Hạt Kiểm lâm liên quận Thuận Hóa - Phú Xuân đã phối hợp với chính quyền các địa phương, cơ quan, ban ngành kiểm tra, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về động vật hoang dã, các loài chim trời.

Do đó, Hạt Kiểm lâm liên quận Thuận Hóa - Phú Xuân yêu cầu các chủ quán không kinh doanh động vật hoang dã, các loài chim trời, chim di cư trái quy định của pháp luật và tiến hành ký cam kết.

Đồng thời, Hạt Kiểm lâm đề nghị các chủ quán khi khách đến uống cà phê mang theo chim cảnh phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Đến nay, 48 nhà hàng, chủ quán, các điểm kinh doanh đã ký cam kết.

Hạt Kiểm lâm liên quận Thuận Hóa - Phú Xuân cho biết nhờ làm tốt khâu kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết và xử lý đối với người vi phạm, việc quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, các loài chim trời, chim di cư trên địa bàn ngày càng tốt hơn. Các quán cà phê chim cảnh, cửa hàng kinh doanh chim cảnh giảm hẳn so với trước đây.

Lực lượng Kiểm lâm TP Huế từng phát hiện, giải cứu gần 1.000 cá thể chim chào mào được cất giấu trong nhà vệ sinh của một bến xe khách tại Huế (Ảnh: Kiểm Lâm)
Lực lượng Kiểm lâm TP Huế từng phát hiện, giải cứu gần 1.000 cá thể chim chào mào được cất giấu trong nhà vệ sinh của một bến xe khách tại Huế (Ảnh: Kiểm Lâm)

Tuy nhiên, do thói quen đã có từ lâu ở Huế nên việc quảng cáo, mua bán, trao đổi chim cảnh vẫn còn diễn ra. Một số người nuôi chim cảnh có thói quen mang theo khi đi uống cà phê. Điều này diễn ra khá phổ biến, cần có thời gian để tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý nếu vi phạm.

Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố vẫn còn các cuộc thi chim chào mào... Do đó, người dân vẫn nuôi, trao đổi, mua bán chim không có hồ sơ, giấy tờ để tham gia các hội thi.

Trước đó, tháng 3 vừa qua Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế đã có văn bản gửi UBND thành phố về việc không cấp phép tổ chức hội thi chim chào mào khu vực Huế mở rộng do một đơn vị ở Huế đã đề xuất tổ chức.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế, lý do là vì chào mào là loài thuộc động vật rừng thông thường, có nguồn gốc hoang dã, tên khoa học là Pycnonotus Jocosus.

Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế cho rằng không nên ủng hộ những cuộc thi này vì chưa đúng với quy định của pháp luật, mặt khác không phù hợp với một trung tâm văn hóa, du lịch thân thiện với môi trường như Huế.

Việc tổ chức hội thi chỉ được thực hiện khi các cá thể chim chào mào được nuôi nhốt theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, tiêu chí thể lệ hội thi do đơn vị tổ chức đề xuất chưa quy định rõ ràng về việc các cá thể chim chào mào cảnh tham gia phải bảo đảm đúng quy định pháp luật. Do đó, hội thi chưa đủ điều kiện để các ngành tham mưu cho UBND TP Huế xem xét.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết