Đông Anh xây dựng nhà văn hóa theo hướng hiện đại
Năm 2022, Đông Anh (Hà Nội) phấn đấu hoàn thành “5 có, 3 không”, triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội của các thôn, làng, khu dân cư theo hướng hiện đại, bền vững, để sớm trở thành quận.
Theo Nghị quyết số 250-NQ/HU ngày 14/2/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy, năm 2022, Đông Anh (Hà Nội) phấn đấu hoàn thành “5 có, 3 không”, triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội của các thôn, làng, khu dân cư theo hướng hiện đại, bền vững, để sớm trở thành quận.
Trong đó, việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia.
“Việc làng” xưa ở đình, nay ở nhà văn hóa
Theo đó, “5 có” bao gồm: có nhà văn hóa, có sân bóng đá, có công viên mini, có các điểm sinh hoạt cộng đồng, có điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh. “3 không” bao gồm: không vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai về trật tự xây dựng và trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải, rác thải; không có hộ nghèo.
Trên đường dẫn tôi đến thăm nhà văn hóa thôn Mạch Tràn, cán bộ văn hóa xã Cổ Loa Nguyễn Thị Yến giới thiệu khá tường tận, mạch lạc về làng Mạch Tràng nói riêng và xã Cổ Loa nói chung. Cứ ngỡ cô cán bộ này phải là người bản địa nên mới lắm được rõ ngọn nguồn ở đây, nhưng cuối cùng tôi ngạc nhiên khi biết cô sinh ra và lớn lên ở Đô Lương (Nghệ An) nhưng lấy chồng và sinh sống ở xã Cổ Loa.
Ngồi trong nhà văn hóa của xã Mạch Tràng, nhấp chén trà Thái Nguyên ngọt lịm nơi đầu lưỡi, tôi được nghe Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Mạch Tràng Bùi Văn Huy chia sẻ: Làng Mạch Tràng là một trong những làng cổ, gắn với sự ra đời của nhà nước Âu Lạc, có thành Cổ Loa là một trong những tòa thành lâu đời nhất Việt Nam. Đình Mạch Tràng có niên đại không sớm (khoảng cuối thế kỷ XVIII), thờ vua An Dương Vương. Đình là công trình kiến trúc tín ngưỡng mang giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật cao, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 1997.
“Trước đây, khi chưa có nhà văn hóa, mọi sinh hoạt tập thể từ tín ngưỡng đến việc họp hành của nhân dân trong làng chúng tôi đa số tổ chức tại đình. Bây giờ có nhà văn hóa, việc làng xưa được tổ chức ở đình thì nay thực hiện ở nhà văn hóa”, ông Huy nói.
Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa
Ngồi tiếp phóng viên Kinh tế nông thôn còn có ông Đặng Văn Chinh, Trưởng thôn Mạch Tràng. Khi nói về công năng của nhà văn hóa, ông vui vẻ cho biết: Nhà văn hóa của chúng tôi được chính quyền các cấp đầu tư xây dựng từ năm 2015, nơi đây trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa và các hoạt động chính trị - xã hội khác của thôn. Tại đây thường xuyên diễn ra các cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt thôn, các tổ chức xã hội để bàn về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của các cấp chính quyền liên quan đến người dân thôn Mạch Tràng.
Khi có nhà văn hóa thôn, lãnh đạo thôn tiến hành thành lập Ban quản lý nhà văn hóa, do Trưởng thôn làm chủ nhiệm, ban hành các quy định về việc sử dụng nhà văn hóa. Ngoài ra, còn thành lập các câu lạc bộ như: hát Chèo, người cao tuổi, dưỡng sinh, cầu lông,… Các câu lạc bộ này đều hoạt động thường xuyên.
“Vào những ngày có sự kiện trong đại như Tết đến Xuân về, hội làng hay ngày Đại đoàn kết dân tộc, các câu lạc bộ đều tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ, được bà con tham gia và nhiệt tình ủng hộ”, ông Chinh nói.
Ông Chinh chia sẻ, nhà văn hóa thôn Mạch Tràng đã trở thành địa chỉ văn hóa để nhân dân gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của cha ông để lại, là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, truyền đạt kinh nghiệm làm giàu từ những sản phẩm nông nghiệp cổ truyền ở địa phương.
Nói về mong muốn của nhân dân trong thôn, ông Chinh cho biết, chính quyền đã đầu tư xây dựng hoàn thiện nhà văn hóa. Còn các trang thiết bị phục vụ cho mọi hoạt động của nhà văn hóa như âm ly, loa đài, bàn ghế… do nhân dân tự đóng góp và xã hội hóa. Chúng tôi mong sao các cấp lãnh đạo đầu tư thêm thiết bị để phục vụ cho nhu cầu hoạt động về văn hóa, thể dục thể thao, tạo cảnh quan để nhà văn hóa vừa là nơi sinh hoạt, vừa là nơi diễn ra các hoạt động thể dục thể thao, nơi cho bà con giải trí sau những ngày làm việc vất vả.
Hoàn thành “5 có, 3 không” trong năm 2022
Huyện Đông Anh có 152/155 thôn, làng và 38/40 tổ dân phố có nhà văn hóa, các nhà văn hóa đều có cơ chế quản lý và hoạt động khá hiệu quả.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 250 của Ban Thường vụ Huyện ủy về quyết tâm phấn đấu hoàn thành “5 có, 3 không” trên địa bàn, huyện tổ chức công bố công khai và bàn giao cho địa phương quản lý và thực hiện đối với 11 đồ án đã phê duyệt theo quy định; phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng đối với 4 nhà văn hóa tại các thôn làng, tổ dân phố; đầu tư 3 sân bóng đá tại 3 thôn; đầu tư 7 dự án công viên mini, điểm sinh hoạt cộng đồng tại 4 thôn làng; hoàn thành 16 dự án điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh tại 12 thôn đã có trong kế hoạch đầu tư.
“Để Nghị quyết đi vào đời sống và mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian qua, Đông Anh đã giải quyết tốt khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất kế hoạch, giải pháp cụ thể để khắc phục. Chủ động rà soát, đánh giá kĩ đối với từng tiêu chí thực hiện “5 có, 3 không” của từng thôn, làng, tổ dân phố… nhằm xây dựng huyện Đông Anh ngày càng phát triển”, ông Linh nói.
Làm việc với Đông Anh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhất trí và đề nghị huyện thực hiện tốt mục tiêu “5 có, 3 không” tại các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn, sớm đưa Đông Anh thành quận văn minh, hiện đại.
Ngày 24/3 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Văn bản số 853/UBND-NC đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận, giao cho UBND huyện Đông Anh là đơn vị chủ trì. Thời gian Đông Anh thành quận không còn bao xa, thành phố sẽ có thêm quận mới Đông Anh với bề dày lịch sử và truyền thống hào hùng, chắc chắn sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.