HTX giúp bà con dân tộc thiểu số thoát đói nghèo từ bài thuốc của người Dao
Là cô gái Mường được gả cho người Dao, chị Bùi Thị Ngọc từng có 14 năm theo chân bà nội chồng lên núi hái thuốc. Người phụ nữ nhỏ nhắn ấy từng dầm mưa dãi nắng, nhịn đói, nhịn khát, mang trên mình đầy vết sứt sẹo do bị ngã, bị vắt rừng, rắn rết cắn… vẫn kiên cường “săn tìm” những vị thuốc quý mang về chữa bệnh cứu người chỉ vì say mê, muốn gìn giữ nghề thuốc “bí truyền” do các cụ để lại.
Đó là chị Bùi Thị Ngọc - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thuốc nam Ngọc Sáng (xóm Tiến Lâm, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình). Chị Ngọc đã mang lại cái nghề giúp giảm nghèo cho hàng chục hộ dân trong vùng.
“Phiêu bạt” để giới thiệu thuốc quý
Xóm Tiến Lâm, một chiều thu đầu tháng 9 rộn rã tiếng nói cười hân hoan của chị em phụ nữ dân tộc Dao. Nhóm 6 người đi ủng, quần áo mặc kín như bưng, trên vai địu những bó cây rừng nặng trĩu hoặc đeo gùi đựng đầy lá, quả, rễ cây rừng...
Chị Ngọc cho hay, đây là các thành viên HTX vừa hái thuốc trở về. Hôm nay, các chị em phấn khởi bởi ai cũng thu được nhiều “chiến lợi phẩm”.
“Mình là con gái gốc dân tộc Mường, được gả về làm dâu người Dao có truyền thống 5 đời bốc thuốc, chữa bệnh cứu người. Ngay từ những ngày mới về nhà chồng, mình đã theo chân bà nội lên núi hái thuốc, được bà chỉ bảo rất tỉ mỉ về từng loại lá, rễ, thân cây, vỏ cây, quả… có thể đem về làm thuốc.
Chị Ngọc mong muốn gìn giữ và phát triển các bài thuốc quý của dân tộc Dao. |
Dân tộc Dao có truyền thống nghề thuốc “bí truyền” trong gia đình được “bật mí” hết cho con dâu, còn con trai trong nhà tuy cũng biết nghề nhưng chỉ mang tính phụ giúp. Theo bà nội riết 14 năm, mình mê nghề thuốc lúc nào không hay”, chị Ngọc kể.
Lợi thế của người Dao xưa nay sinh sống gắn bó với những núi đá hiểm trở. Thiên nhiên nơi đây đã ban cho con người không ít loại dược liệu quý hiếm. Quá trình sinh tồn, ốm đau, tự tìm kiếm cây rừng trị bệnh đã khiến đồng bào dân tộc Dao có một kho tàng kiến thức vô cùng phong phú về y học và dược liệu.
Từ những kiến thức thực tế, chị Ngọc quyết tâm giữ nghề gia truyền. Chị đã về Hà Nội theo học và tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Trung ương hệ chính quy.
Năm 2018, sau khi bà nội mất, hai vợ chồng chị phải tự bươn chải giữ nghề. Hàng ngày, anh chị lên núi hái thuốc, đóng gói rồi chất lên xe, rong ruổi trên khắp các nẻo đường để giới thiệu, phân phối các bài thuốc quý cứu người.
Chị Ngọc kể, mỗi chuyến đi, vợ chồng chị chở hai bên xe 2 tải thuốc, chăn gối đeo sau lưng, mang theo nồi và gạo, tiện đâu nấu cơm ăn, trải chăn gối ngủ ở đấy, bán hết thuốc thì về.
“Vợ chồng mình mang thuốc đi bán tại khắp các chợ phiên khắp các tỉnh thành, khi lên Sơn La, Quảng Ninh, lúc qua Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định… Mỗi chuyến đi cũng thu được 5-7 triệu”, chị Ngọc cho biết.
Thời gian đó đã tạo cho vợ chồng chị Ngọc một lượng khách hàng quen, có cả người bệnh lẫn khách mua về để kinh doanh. Họ giữ liên lạc, hết thuốc lại gọi điện để chị Ngọc chuyển.
Khi dịch Covid-19 lên đỉnh điểm, việc đi lại bị hạn chế, vợ chồng chị Ngọc quay về quê hương hái thuốc và phân phối qua kênh vận chuyển online.
Thấy rõ giá trị cây thuốc của người Dao, muốn mở rộng quy mô, tạo thương hiệu, tạo công ăn việc làm, thoát nghèo cho bà con cùng xóm, hai vợ chồng chị bàn nhau vận động một số người dân thành lập HTX.
Cây thuốc giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Thành lập từ năm 2020, đến nay, HTX Thuốc nam Ngọc Sáng mới có tuổi đời gần 3 năm, với 7 thành viên tham gia, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, giúp một số hộ giảm nghèo.
Điển hình như chị Bùi Thị Hoa - thành viên HTX. “Mấy năm trước, nhà em có vài sào ruộng, năng suất thấp, thu nhập cả năm chỉ vỏn vẹn 25-30 triệu đồng. Chồng em phụ xây, công việc tắc bọp, lúc có lúc không, mỗi năm đưa cho em chỉ khoảng 5-7 triệu đồng. Từ khi tham gia HTX, chị em bảo ban nhau cùng hái thuốc, trồng dược liệu, thu nhập bình quân cũng được tới 5-6 triệu đồng/tháng. HTX đã giúp gia đình em thoát nghèo”, chị Hoa chia sẻ.
Theo chị Ngọc, dược liệu thu hái được trên rừng toàn loại quý như cây B1, cây trầm kha, cây dào mia, bách niên kiện, khôi nhung, xạ đen, cà gai leo… Mỗi bộ phận của cây rừng tạo nên sự phong phú trong thế giới thuốc quý hiếm của người Dao như: lá tắm tăng cường sức khỏe, thuốc chữa bệnh xương khớp, đường ruột, dạ dày, tim mạch, mát gan, bồi bổ cơ thể, thuốc chữa bệnh nan y, bệnh ngứa ngáy, lở loét, bệnh yếu sinh lý, vô sinh…
Thuốc quý được người Dao hái lượm trên những triền núi, những vách đá tai mèo sắc nhọn, cheo leo, bên khe suối, ghềnh thác… với địa hình rất hiểm trở, hành trình lấy thuốc vô cùng gian nan.
Mỗi bộ phận của cây rừng tạo nên sự phong phú trong thế giới thuốc quý hiếm của người Dao |
Chị Ngọc cho hay, sáng nào, các thành viên HTX cũng tập hợp tại nhà chị - cũng chính là trụ sở của HTX. Từ 4-5 giờ sáng, sau khi đã ăn cơm, mỗi người mang theo chai 1,5 lít nước lọc, chia nhau ra các nhánh đi lên các dãy núi đá cao để hái lượm thuốc mang về.
Ngày nắng, đi một lúc thì mồ hôi mướt mát nhưng người hái thuốc vẫn phải mặc kín để phòng sâu bọ, côn trùng đốt, ong châm, rắn rết cắn… Ngày mưa phùn, vắt nhiều, phải tẩm xăng dầu vào quần áo, bôi thêm lớp dầu rửa bát ở ngoài, phòng vắt cắn. Mặc kín bưng nhưng đầu không mũ nón vì vướng víu, người hái thuốc không thể luồn dưới những tán cây thu hái được.
Một điểm đặc biệt là người Dao lên núi hái thuốc không bao giờ mặc áo mưa, chuyện dầm mưa dãi nắng, nhịn đói nhịn khát trên núi thành quen.
Sương gió, gian nan vậy mà chẳng mấy ai ốm đau, cảm cúm vì có lẽ một phần do thích nghi hoàn cảnh, mặt khác ngày nào họ cũng được tắm lá thuốc gia truyền.
“Một số cây thuốc thuộc hàng quý hiếm chỉ mọc ở nơi hiểm trở, buộc người hái phải cất công leo lên những đỉnh núi đá tai mèo dựng đứng, sắc nhọn, chỉ sơ sẩy chút là ngã như chơi! Chuyện người hái thuốc nay bị thương, mai ngã sứt tay, đứt chân là bình thường”, một thành viên HTX chia sẻ.
“Góp đất” để phát triển vùng nguyên liệu
Gian truân là vậy, nhưng các thành viên không ai nản lòng, ai cũng yêu nghề, luôn động viên nhau vượt khó, cùng nhau làm ăn.
Ba năm qua, HTX đã từng bước khắc phục khó khăn, bảo tồn các loại thuốc quý. Bên cạnh việc khai thác từ thiên nhiên. HTX đã thử nghiệm trồng các nguyên liệu thuốc như xạ đen, nghệ đen, thiên niên kiện, khôi nhung… trên diện tích 1 ha. Mỗi năm, 1 ha diện tích trồng dược liệu bình quân cho sản lượng 6-10 tấn nguyên liệu thô
Theo chị Ngọc, ban đầu, HTX bán thuốc theo thang, nguyên liệu thô qua công đoạn sơ chế băm, chặt rồi sấy khô, giá bán tùy theo chủng loại dược liệu, có loại 40 ngàn đồng/cân, loại 50 ngàn/cân, loại 70 ngàn đồng/cân. Quá trình làm cho thấy xuất bán thô giá trị thấp, nên chị Ngọc đã quyết định chiết xuất một số thành phẩm đóng gói dạng cao vừa tiện ích cho người dùng mà giá trị sản phẩm cũng được nâng lên.
Thiên nhiên đã ban cho con người không ít loại dược liệu quý hiếm. |
Mỗi năm, HTX bán ra khoảng 300-400 cân cao các loại, như cao dạ dày, cao xương khớp, cao lá tắm… giá bán khoảng 3 triệu đồng/cân. Bình quân mỗi năm, doanh thu của HTX khoảng hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 300- 400 triệu đồng.
Việc chiết xuất dược liệu thành phẩm dưới dạng cao góp phần đảm bảo thu nhập tốt hơn, giúp thay đổi cuộc sống của từng hộ gia đình.
Chị Bùi Thị Tình - một thành viên HTX cho biết: “Trước kia, nhà tôi từng hái thuốc đem về tự phân phối, bán lẻ tại các phiên chợ nhưng giá rất bèo bọt. Có lần dược liệu hái về chưa tiêu thụ hết, để trong kho 1-2 tháng gặp trời nồm ẩm, dược liệu bị nấm mốc hết, đành bỏ đi.
Từ khi tham gia HTX, gia đình tôi yên tâm hái bao nhiêu đều được HTX thu mua hết, giá ổn định, khi nào cũng cao hơn thị trường từ 2 - 3 ngàn đồng/cân. Đi hái thuốc trước lủi thủi một mình, nay có mấy chị em cùng làm đông vui, hiệu quả hơn hẳn”.
Với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu sạch, mở rộng quy mô hoạt động, tăng thu nhập cho các thành viên, HTX đã kêu gọi các thành viên tham gia hiến đất để làm vườn trồng dược liệu.
Chương trình được tất cả thành viên nhiệt tình hưởng ứng. Bình quân mỗi nhà tình nguyện hiến 1-2 ha, có nhà hiến tới 3 ha đất. Tới đây, HTX sẽ triển khai trồng trên 10 ha đất do các thành viên hiến tặng.
Không chỉ tạo việc làm cho các thành viên, HTX còn liên kết với một số bà con ở xóm Môn, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong tham gia hái thuốc với thù lao bình quân khoảng 20 ngàn đồng/cân nguyên liệu thô.
Chị Bùi Thị Hồng - người xóm Môn cho hay: “Nhà tôi quanh năm làm nông nghiệp, lúc nông nhàn, tôi tham gia đi hái thuốc cùng các thành viên HTX. Việc hái thuốc thuê đã tăng thêm thu nhập cho gia đình một tháng khoảng 3-3,5 triệu đồng”.
Theo chị Ngọc, hiện HTX đang đầu tư mở rộng xưởng sản xuất để có khu chế biến nguyên liệu, nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm, sân phơi, kho chứa….
Tuy tuổi đời của HTX còn non trẻ, nhưng những nỗ lực của Ban quản trị và các thành viên HTX trong việc phát triển hệ thống chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm cho thấy tương lai phát triển đầy tiềm năng của HTX.
Chị Ngọc nhận định, thành công bước đầu của HTX, ngoài chính sự nỗ lực của các thành viên, còn có sự quan tâm của các cấp ban ngành, từ UBND các cấp các tổ chức chính trị xã hội- đoàn thể, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình, Hội Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ chương trình tập huấn, đào tạo kỹ năng cho cán bộ HTX.
HTX được hỗ trợ miễn phí đăng ký gắn tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, đặc biệt được tạo điều kiện tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại tại một số tỉnh thành.
Mới đây, HTX đã được nhận bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong Chương trình “Biểu dương cán bộ hội cơ sở giỏi, các mô hình tiêu biểu tại cộng đồng năm 2023”.
Những nỗ lực của chị Ngọc và HTX thời gian qua rất đáng trân trọng, rất cần sự hỗ trợ của các cấp ban ngành để HTX đứng vững. Chính những HTX non trẻ này đã và đang từng bước giữ gìn truyền thống làm thuốc, vốn quý của người Dao nhiều đời nay, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ngay trên chính quê hương mình.
Thu Hường