Nhiều người lớn vẫn “mù mờ” về vấn đề xâm hại trẻ em
Vẫn còn không ít người lớn thiếu hiểu biết về phòng ngừa xâm hại trẻ em, khiến trẻ chưa được trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại, nhất là từ những người thân, quen.
Những cuộc thi về phòng, chống xâm hại trẻ em giúp trẻ hiểu hơn về cách bảo vệ bản thân
Sự thiếu hiểu biết làm hại trẻ em
Một lần, khi trò chuyện với các em học sinh tại diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói”, bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh ngạc nhiên khi nhiều em cho biết mình ít khi được giáo dục giới tính ở nhà hoặc tại trường. “Các em kể rằng, hỏi ba mẹ hay các cô giáo đều thường bảo rằng các em chưa đến tuổi và chưa đủ nhận thức để học về giới tính và phòng, chống xâm hại”, bà Lan chia sẻ.
Từ thực tế trên, có thể thấy hiện nay vẫn còn một bộ phận người lớn vẫn còn “mù mờ” trong giáo dục giới tính và hướng dẫn trẻ em cách phòng, chống xâm hại để bảo vệ mình. Do vậy, trẻ em dễ bị động và khó nhận thức được nguy hiểm đang rình rập. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng có những hành vi xâm hại trẻ em trên không gian mạng khiến tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng cả trong đời thực và không gian mạng.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ em gái. Cụ thể, có hơn 2.600 trường hợp bị xâm hại từ 13 đến 16 tuổi, 293 trẻ em dưới sáu tuổi. Đối tượng xâm hại trẻ em trong khoảng thời gian trên chủ yếu vẫn là nam giới (chiếm 95%), trong đó hơn 3.400 đối tượng trên 18 tuổi xâm hại trẻ em, chiếm 77%, thuộc đủ các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Cơ quan chức năng xác định có hơn 1.000 vụ hiếp dâm, 1.500 vụ giao cấu với trẻ em.
“Các chương trình tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục đối với trẻ em đã được Hội BVQTE em tỉnh thực hiện tại rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều phụ huynh bày tỏ sự quan tâm về vấn đề giới tính của con trẻ, hiện vẫn còn những “tâm hồn đi lạc” cho rằng trẻ nhỏ không cần giáo dục giới tính, chúng vẫn chưa biết gì hoặc thậm chí bản thân có hành vi xâm hại trẻ em mà không hay biết”, bà Lan nói.
Cần dạy trẻ đề phòng người thân, quen
“Con bị anh trai xâm hại hoài luôn đó cô”. Câu nói hồn nhiên của một em nhỏ tiểu học khiến bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội BVQTE tỉnh, nhớ mãi trong một lần “đứng lớp” về phòng, chống xâm hại cho trẻ em. “Em kể vanh vách chuyện anh mình sờ mông, đụng ngực, “đè lên người” ra sao. Trong nhận thức của em nhỏ, đó là hành vi quen thuộc đến nỗi khiến em cảm thấy rất bình thường”, bà Hòa nhớ lại.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra rằng, có đến hơn 93% người xâm hại trẻ em là người quen, trong đó 47 – 55% đối tượng là người thân, họ hàng hoặc sống trong cùng gia đình với nạn nhân.
“Nhận thức về an toàn thân thể của trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ vẫn còn rất thấp ở nhiều người. Chẳng hạn, một số người có phản ứng tiêu cực, chửi bới, thậm chí đánh mắng khi bị phản ánh về lời nói, hành vi không an toàn với trẻ. Nhiều người vẫn nghĩ rằng: Trẻ con thôi, có gì đâu mà làm quá lên”, bà Hòa thông tin.
Theo bà Hòa, việc dạy trẻ chỉ đề phòng người lạ, bỏ qua các dấu hiệu kém an toàn từ chính người thân, quen hay giáo dục giới tính sai cách, qua loa sẽ khiến trẻ bị động khi bị tấn công bởi những người thân thiết xung quanh. Nếu phụ huynh không đứng về phía con cái, không bảo vệ, bênh vực trẻ trước những hành vi xấu thì lâu ngày đứa trẻ quen dần với tác động xấu, không hình thành thói quen chống trả, tự bảo vệ mình trước hành vi xâm hại nữa. Điều này rất nguy hiểm đến an toàn của trẻ.
Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH