HTX sản xuất rừng bền vững vẫn đứng trước vô vàn khó khăn
Cả đầu vào, quy trình chăm sóc đến vấn đề tiêu thụ cho gỗ được cấp chứng chỉ bền vững của các HTX, nông dân vẫn còn gặp những "lực cản" nhất định, dù đây là hướng đi đúng đắn nhằm nâng cao thu nhập cho chính các thành viên, nông dân cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, ngoài sản xuất theo quy trình rừng bền vững FSC, các HTX, nông dân ở Việt Nam đã sản xuất theo quy trình chứng nhận rừng bền vững quốc gia Việt Nam VFCS/PEFC (VFCS: Vietnam Forest Certification Scheme; PEFC: Tổ chức chứng nhận rừng quốc tế, viết tắt từ cụm từ Programme for the Endorsement of Forest Certification).
Thiếu vốn, khó đầu ra
Việc thành lập và có riêng một chứng chỉ rừng bền vững quốc gia giúp Việt Nam hạn chế được tình trạng phụ thuộc vào tổ chức chứng nhận quốc tế. Theo các HTX, việc để có được chứng nhận rừng bền vững FSC cần nguồn chi phí không hề nhỏ, trong khi việc mời các tổ chức, chuyên gia từ nước ngoài về tư vấn, hỗ trợ khâu chứng nhận không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Đại diện một HTX ở Tuyên Quang cho biết, hiện tỉnh đã có chính sách hỗ trợ HTX đầu tư cho sản xuất lâm nghiệp với mức 450.000 đồng/ha nhưng kinh phí duy trì chứng nhận mới là điều đáng bàn.
Đối với quy trình chứng nhận rừng quản lý rừng bền vững FSC, cứ 5 năm, HTX phải tổ chức đánh giá lại một lần. Theo tính toán, HTX cần khoảng 600 triệu đồng để tái chứng nhận và cần khoảng 19.000 USD để trả phí cho chuyên gia nước ngoài thường niên về kiểm tra, hỗ trợ. Trong khi trồng rừng bền vững phải duy trì nhiều năm nhưng với nguồn kinh phí của HTX hiện nay, HTX chỉ duy trì chứng nhận được đến năm thứ 3 thì rơi vào cảnh hết kinh phí.
Do đó, việc thu hút người dân vào HTX sản xuất rừng bền vững là một chuyện, việc làm sao để có kinh phí duy trì được chứng nhận mới là vấn đề được nhiều HTX quan tâm.
Để giảm thiểu những hạn chế, khó khăn trong quá trình áp dụng quy trình sản xuất rừng bền vững FSC, Nhà nước đã xây dựng riêng hệ thống chứng nhận rừng bền vững quốc gia VFCS/PEFC. Tuy vậy, ông Lê Mân, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng dù trồng rừng gỗ lớn theo quy trình VFCS/PEFC nhưng người dân, HTX vẫn rất khó tiêu thụ.
“Các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi hiện không mua gỗ có chứng chỉ rừng của Việt Nam”, ông Lê Mân chia sẻ.
Cần tháo gỡ nhiều "nút thắt" để người dân, HTX thuận lợi trong mở rộng sản xuất trồng rừng gỗ lớn. |
Dù rất muốn phát triển và mở rộng diện tích rừng trồng theo chứng nhận bền vững nhưng đa số các HTX đang sản xuất theo những quy trình này cho thấy, chu kỳ và tiêu chí trồng rừng bền vững hiện rất khắt khe. Trong khi các thương lái mua gỗ từ rừng có chứng chỉ và rừng không có chứng chỉ không có độ chênh lệch nhiều về giá nên chưa thực sự tạo động lực và giúp HTX mở rộng thành viên, diện tích.
Ông Trần Bá Kiên, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp có rừng Thủy Phương (Thừa Thiên Huế) cho biết hiện giá bán gỗ rừng có chứng chỉ của HTX chỉ đạt 1.200.000 đồng/tấn, không khác gì so với gỗ không có chứng chỉ trên địa bàn.
Việc muốn mở rộng thị trường cho gỗ có chứng chỉ của HTX cũng khó vì liên kết với doanh nghiệp không hề đơn giản. Nguyên nhân một phần là do quy mô sản xuất của HTX còn manh mún. Hiện, HTX có 398ha rừng, nhưng mới có 10ha liên kết được với doanh nghiệp.
HTX cần thông tin vững chắc
Rõ ràng, phát triển rừng bền vững có chứng nhận là điều hết sức cần thiết và quan trọng trong điều kiện cả thế giới đang quan tâm đến phát thải khí nhà kính, đảm bảo các quy định xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ theo hướng có truy xuất nguồn gốc.
Ngay như thị trường Mỹ, muốn xuất khẩu sang, sản phẩm từ gỗ phải sử dụng 70% nguyên liệu có chứng chỉ FSC, 30% còn lại là gỗ có nguồn gốc. Còn ở Phần Lan, các doanh nghiệp sẽ không mua gỗ nếu gỗ đó không có chứng nhận.
Do đó, để thích ứng được với nhu cầu thị trường, chắc chắn việc phát triển các chuỗi giá trị rừng trồng bền vững có chứng nhận là hết sức cần thiết. Nhưng những khó khăn về mở rộng quy mô, thu hút thành viên, đầu ra, nguồn vốn… vẫn là những vòng luẩn quẩn khiến nhiều HTX lâm nghiệp đang đi theo con đường này chưa thực sự bứt phá.
Tình trạng rừng trồng nhưng thu hoạch không đồng đều, thời gian thu hoạch gỗ lớn hầu hết mới dừng ở mức thời gian 5 năm đang diễn ra phổ biến khiến giá trị kinh tế, môi trường và đặc biệt là giá trị gỗ chưa được tận dụng hết.
Ông Rauno Karppinen, chuyên gia của Tổ chức phát triển thực phẩm và Lâm nghiệp Phần Lan-FFD, cho biết rừng gỗ lớn có chứng chỉ ở Phần Lan khi đến kỳ thu hoạch đều được trồng từ 60-70 năm tuổi, có rừng trồng kéo dài 120 tuổi.
Trong đó, lần đầu tiên, gỗ được thu hoạch theo hình thức tỉa mỏng vào năm 30 tuổi. Lượng gỗ thu hoạch của mỗi cây là 40m3 và bán với giá 20 EUR, tổng nguồn thu 800 EUR. Thời điểm cây gỗ rừng 50 tuổi, mỗi cây thu được 60m3, 1 m3 có giá 35 EUR, tổng thu là 2.100 EUR. Khi gỗ đạt 60-80 tuổi, mỗi cây thu được khoảng 200m3, giá bán là 60-13.000 EUR/m3, nguồn thu về 16.000-20.000 EUR.
Trong khi tại Việt Nam, trung bình 5-6 năm thu hoạch một lần. Nếu tính thời gian trong 60-80 năm thì người trồng rừng Việt Nam có thể thu hoạch 8-10 lần. Nhưng xét về giá trị, đảm bảo tính bền vững về chất lượng thì gỗ của Việt Nam vẫn bị “non” hơn so với các nước. Điều này gây khó khăn cho gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Do đó, để kéo dài được chu kỳ thu hoạch gỗ cho các cánh rừng, một điều dễ nhận thấy rõ nhất hiện nay là nguồn vốn tự có của người dân, thành viên HTX không đủ để trang trải có các lần tái chứng nhận chứng chỉ rừng, mà họ rất cần đến sự hỗ trợ, tài trợ từ ngân sách nhà nước hoặc của tổ chức, doanh nghiệp.
“Bởi chi phí cho tư vấn hồ sơ xin cấp chứng chỉ rừng và chi phí đánh giá cấp chứng chỉ rừng hiện quá cao, quá tốn kém”, ông Lê Mân cho biết.
Trong khi theo đại diện của các HTX lâm nghiệp, HTX nào hiện nay cũng muốn trồng rừng gỗ lớn có chứng nhận. Và việc thu hoạch rừng 5-6 năm là điều không người trồng nào mong muốn, nhưng nếu không thu hoạch thì người trồng không có nguồn thu.
Nhưng ngay như ở Bắc Kạn, nếu so với một số cây trồng lâu năm như cây quế thì giá trị kinh tế từ gỗ rừng có chứng nhận không chênh nhau nhiều. Việc áp dụng biện pháp tỉa thưa ở năm thứ 4 cho cây keo thì xảy ra tình trạng cây còn lại không có chỗ dựa, dễ đổ. Nên theo đánh giá của các HTX, hình thức tỉa thưa chỉ phù hợp với tùy từng vùng, từng địa phương.
Bên cạnh đó, ngoài việc hỗ trợ HTX về nguồn vốn thì các quy định hiện nay cần nêu rõ và cụ thể. Hiện, các HTX vẫn chưa rõ thời gian bao nhiêu năm thì được gọi là gỗ lớn và rừng tự nhiên có được cấp chứng chỉ không? Các giống loài khác cây gỗ nhưng cùng phát triển trên diện tích rừng gỗ có được cấp chứng chỉ hay chỉ một số cây lâm nghiệp cho thu hoạch gỗ mới được cấp chứng chỉ?
Hiện nay, quy chế bán rừng có chứng chỉ với rừng không có chứng chỉ là như nhau nên không tạo ra tính cạnh tranh trên thị trường, trong khi các nước nhập khẩu đều yêu cầu rất chặt chẽ về nguồn gốc của gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Do đó, theo các chuyên gia, để thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ gỗ trồng theo quy trình bền vững, có chứng nhận, các HTX cần sự hoàn thiện về các quy định chính sách để bảo đảm có các thông tin vững chắc làm căn cứ thích ứng với thị trường quốc tế.
Huyền Trang