Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở đường ra 'độc đạo' cho nông sản từ sản xuất xanh

Trong bối cảnh tiêu thụ vẫn là bài toán khó với đa số mặt hàng nông sản, nhiều HTX trên cả nước đã tìm ra giải pháp để khơi thông thế bế tắc chính là sản xuất sạch. Bởi lẽ, sản xuất thân thiện môi trường là điều kiện tất yếu, hay nói đúng hơn là "con đường độc đạo" để nông nghiệp làm chủ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chưa đầy 1 tuần sau khi anh Trần Cao Thế (xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đốn hạ hơn 3.300 gốc thanh long, giá thanh long bắt đầu nhích lên. Tuy nhiên, khi được hỏi có hối hận khi phá bỏ vườn cây, anh Thế lập tức đưa ra câu trả lời là… không!

Sạch để có thị trường

Anh Thế chia sẻ, giá lên rồi sẽ lại xuống, điệp khúc được mùa mất giá, thua lỗ nặng đã đeo bám anh cùng các nhà vườn ở địa phương trong nhiều năm qua. 3 lứa chong đèn gần nhất, giá thanh long chỉ ở mức trên dưới 3.000 đồng/kg cho thanh long ruột trắng, 7.000 – 9.000 đồng/kg cho thanh long ruột đỏ, tiền thu về không đủ để gia đình anh trả tiền điện.

“Vì đã quá chán nản với việc cứ đến vụ lại lo của khẩu tắc, bị thương lái hành cho “lên bờ xuống ruộng”, tôi đã quyết tâm chuyển đổi. Dù giá có lên hay không thì tôi vẫn quyết chặt thanh long để chuyển sang trồng mít và mãng cầu. Là chuyện cực chẳng đã, nhưng không còn đường lùi nữa”, anh Thế ngậm ngùi nói.

Tình cảnh của anh Thế cũng là thực trạng chung tại nhiều vùng trồng thanh long trên cả nước kể từ đầu năm đến nay. Giá thanh long lao dốc do Trung Quốc ngừng nhận hàng ở các cửa khẩu biên giới Việt - Trung. Các vựa thanh long không có người đến mua hoặc mua giá rẻ mạt 1.000-2.000 đồng/kg.

Thực tế cho thấy thảm cảnh mất giá của người trồng thanh long là chuyện rất cũ, dù hậu quả luôn mới. Và câu hỏi đặt ra là làm sao giải hết bài toán tiêu thụ cho quả thanh long. Và câu trả lời được nhiều HTX trên địa bàn cả nước đưa ra và cho thấy kết quả tích cực trong thời gian qua là… sản xuất sạch hơn.

xuat-khau-thanh-long-7870-1648019832.jpg

Sản xuất sạch là điều kiện tiên quyết giúp nông sản giải bài toán được mùa mất giá.

Điển hình, HTX Vạn Thành (Châu Thành, Long An) thời gian qua liên tục có những đơn hàng lớn đưa đi xuất khẩu, giải tỏa nhiều áp lực về thị trường cho thành viên và hộ liên kết.

Giám đốc HTX Nguyễn Vạn Thành cho biết, cứ khi nào HTX có hàng, doanh nghiệp sẽ cho người xuống thu mua hết. Mỗi đợt, HTX xuất kho ít nhất vài trăm tấn thanh long cho doanh nghiệp. Để có được thành công này, sản xuất sạch là điều kiện tiêu chuẩn của HTX.

Cụ thể, để liên kết được với doanh nghiệp, 100% diện tích sản xuất của thành viên HTX sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Các sản phẩm sạch phục vụ chế biến, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời rộng cửa vào siêu thị trong nước.

Câu chuyện của quả thanh long chỉ là một điển hình để chỉ ra mẫu số chung cho “bài toán thị trường” của nông sản của Việt Nam trong thời gian tới. Sản xuất sạch, thân thiện môi trường là điều kiện tiên quyết để nông sản thuận đầu ra.

Mở cánh cửa xuất khẩu

Hồi đầu tháng 3/2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, trong một cuộc họp bàn về việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch tại thị trường Trung Quốc, đã đánh giá việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch là cuộc cách mạng cần có sự kiên trì, sẵn lòng và sẵn sàng của cả hệ thống sản xuất, thương mại.

Một trong những yếu tố quan trọng là chất lượng nông sản cần được nâng lên. Do đó, phải có lộ trình để tổ chức lại sản xuất, thị trường, ngành hàng và cả hiệp hội ngành hàng. Nếu không tổ chức sản xuất tốt thì sẽ không chuẩn hóa được vùng nguyên liệu sạch, không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm… và tất yếu sẽ không có sản phẩm để đưa vào xuất khẩu chính ngạch.

Nhìn từ quả chanh leo, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Giao (DOVECO), cho biết năm 2020, xuất khẩu tiểu ngạch quả này chiếm 75%, nhưng năm 2021 chỉ còn 25%. Đây là kết quả của quá trình liên kết, xây dựng chuỗi và sản xuất sạch hơn.

Theo ông Khuê, xuất khẩu chính ngạch đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao hơn rất nhiều. Để qua được các khâu kiểm tra, nông sản cần được sản xuất trong điều kiện tốt, tuyệt đối không có tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất. Chỉ một chút tồn dư hóa chất cũng khiến hàng Việt “mang tiếng xấu” và mất đi cơ hội.

"Cần chuyển sang chính ngạch càng sớm càng tốt, mọi vấn đề trong thương mại sẽ minh bạch. Để xuất khẩu chính ngạch, trước tiên phải xuất phát từ chính mình, làm phải chuẩn, phải sạch, thân thiện môi trường. Một số doanh nghiệp Trung Quốc chỉ thích đi chính ngạch với doanh nghiệp lớn", ông Đinh Cao Khuê chỉ rõ.

Câu chuyện chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch cũng đang được nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La ứng dụng vào quả xoài đặc sản. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xoài Sơn La đã chinh phục thành công nhiều thị trường khó tính.

Ông Nguyễn Đình Hẹn, thành viên HTX hoa quả Quyết Tâm (bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng) chia sẻ: “Áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi thực hiện ghi chép sổ sách đầy đủ, bao trái, chủ động trong việc chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh hại. Vì vậy, năng suất và chất lượng xoài cao hơn. Cụ thể, năm 2021, năng suất đạt khoảng 30 tấn, tăng 30% so với năm 2020”.

Bà Phạm Thị Vượng, nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho biết, thực tế sản xuất những mô hình sử dụng phân bón hữu cơ ở nhiều địa phương đã giúp tăng đáng kể hiệu quả sử dụng đất, mật độ số giun trong đất tăng cao, các chủng vi sinh vật có ích cũng tăng, hàm lượng kim loại nặng giảm, sản phẩm không còn dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

“Từ thực tế hiệu quả mô hình trồng su su theo hướng hữu cơ ở Hồ Sơn (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), ban đầu chỉ có 1 hộ tham gia nhưng chỉ sau 1 năm diện tích đã tăng lên 20 ha. Canh tác theo hướng hữu cơ bà con nông dân sẽ được 1 chữ "L" là lãi, và 2 chữ "H" đó là hạnh phúc và hồi sinh vì không lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, người tiêu dùng được ăn sản phẩm sạch, an toàn”, bà Vượng lấy ví dụ.

Rõ ràng, trong bối cảnh hội nhập, sản xuất sạch đang được đánh giá là một trong những “quân bài” tốt nhất để tăng sức cạnh tranh, bên cạnh sự thay đổi về công nghệ, tổ chức sản xuất. Thời gian tới, bên cạnh sự chủ động trong thay đổi tư duy sản xuất sạch hơn từ HTX, doanh nghiệp và nông dân, thì cần thêm sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực hơn của cơ quan chức năng, địa phương để hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp xanh, hiệu quả.

Lệ Chi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết