Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổ chức lại sản xuất thông qua hợp tác xã sẽ chấm dứt được ùn ứ nông sản

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ông thường nhận được "tiếng kêu trong đêm" của Đại biểu Quốc hội, người nông dân về tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Trong đó, một trong những nguyên nhân là do 10 triệu hộ nông sản vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. 

Sáng ngày 16/3, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bên cạnh phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về vấn đề mà các đại biểu quan tâm là giải pháp nào để giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc? Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, đây là vấn đề không phải ngắn mà phải tầm nhìn xa hơn thì mới giải quyết được tình trạng này.

un-u-nong-san-4464-1647402432.jpg

Hơn 1.000 xe nông sản vẫn ùn ứ ở các cửa khẩu Lạng Sơn. 

Ông Hoan chia sẻ: "Vừa qua, tôi đi đến các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, đồng thời đi vào vùng nguyên liệu sản xuất nông sản Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên... Qua đó, thấy rằng nếu không ùn ứ nông sản ở cửa khẩu, thì sẽ ùn ứ ở vùng trồng".

Do vậy, ùn tắc nông sản cần nhìn ở góc độ cung, cầu, tư duy sản xuất. Đây là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT. Nông sản cũng không phải sản phẩm công nghiệp khi thị trường tắc thì đưa vào kho. Thêm vào đó, việc 10 triệu hộ nông sản sản xuất trên 10 triệu thửa đất cho thấy nền nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. 

Vì vậy, ông Hoan cho rằng nhìn từ câu chuyện thành công trong phát triển nông nghiệp ở một số địa phương như Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương... chúng ta thấy rằng có sự sâu sát của lãnh đạo địa phương với nông sản, người nông dân của mình.

"Để khi nông sản ùn ứ thì mới tìm giải pháp là vấn đề khó, bởi vậy không thể để tình trạng sản phẩm đến vụ thu hoạch mới đi tìm thị trường. Làm sao nông nghiệp phải minh bạch, không mù mờ thông tin", Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận: Đến giờ Bộ NN&PTNT thú thật với Quốc hội là chúng tôi vẫn chưa nắm rõ thông tin, do vậy cần tổ chức lại sản xuất để phát triển theo mô hình kinh tế tập thể, thông qua HTX để mọi truyền thông, định hướng chính sách đến được với người nông dân một cách cụ thể hơn. Thêm vào đó phải tổ chức lại ngành hàng với sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội. 

Bên cạnh đó, chúng ta bán sang Trung Quốc thì phải hiểu rõ thị trường này, đây là những việc mà nông dân, doanh nghiệp cùng các cơ quan chức năng cần ngồi lại để đi chung một con đường, sản xuất nông nghiệp minh bạch gắn với xây dựng thương hiệu. "Bộ NN&PTNT sẽ không quên câu chuyện ùn tắc nông sản này để rút ra bài học, tìm ra giải pháp phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp", Bộ trưởng NN&PTNT khẳng định. 

Thy Lê 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết