Tổ hợp tác Chăn nuôi heo nái của xóm quê
Một tổ hợp tác rất đặc biệt, với những nông hộ chuyên nuôi heo nái nhỏ, lẻ tập hợp thành một tập thể. Họ là những người nông dân sống tại tổ dân phố B’Nông Rết, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, mảnh đất của những người K’Ho chịu thương chịu khó.
Anh Cil Thành chăm 2 heo nái của gia đình |
Nhà anh Cil Thành có chuồng heo nái gồm 2 con nái mẹ. Anh Cil Thành cho biết, trước đây gia đình anh cũng như hầu hết bà con chung xóm không nuôi heo nái. Có nhà nào nuôi heo thì chỉ nuôi heo thịt. Nhưng sau đó, thấy bà con nuôi heo nái an toàn hơn, đầu tư thấp hơn heo thịt, phù hợp với cách chăn nuôi của người dân hơn nên anh đã chuyển sang chăn nuôi heo nái. Anh Cil Thành chia sẻ, ban đầu, anh mua heo nái giống, nuôi tới thời gian trưởng thành khoảng 7-8 tháng là có thể cho phối giống. Heo cái mang thai 2,5 tháng, sau đó sinh heo con. Mỗi lứa sinh giao động theo từng heo mẹ, từ 5-12 heo con. Sau khi sinh, anh nuôi lứa heo con tầm 1-2 tháng là có thể xuất bán. Với thời giá hiện tại, một cặp heo giống con có giá 2 triệu đồng. Anh Cil Thành cho biết: “Nói chung nuôi heo nái sinh sản an toàn hơn nuôi heo thịt. Thời gian một lứa heo cũng khoảng 4-5 tháng nhưng heo nái ít bệnh, giá heo con cũng ổn định hơn heo thịt. Nuôi heo thịt phải nuôi nhiều, xây chuồng đúng kỹ thuật thì mới không sợ bệnh. Còn heo nái thì mình tận dụng mọi thứ trong vườn là nuôi được”. Theo anh Cil Thành, heo nái ăn rau khoai lang, khoai nước, rau các loại là chủ yếu. Thời gian mang thai và nuôi heo con có ăn thêm cám đậm đặc. Đầu tư ít, an toàn và thu nhập nhanh là lí do bà con B’Nông Rết chọn nuôi heo nái.
Ngay gần nhà anh Cil Thành, anh Lơ Mu Ha Len đang xây tiếp chuồng nuôi heo con. Anh Ha Len có 4 heo nái, mỗi vụ xuất bán cũng được hàng chục cặp. Tuy nhiên, anh Ha Len cũng chia sẻ, nhiều lúc hàng dồn, không bán hết được heo con, anh xây thêm chuồng để “gột” heo bột thành heo thịt. Anh cho biết, sử dụng heo con từ heo mẹ trại tự nuôi an toàn hơn mua heo bên ngoài vì heo con được chăm khỏe mạnh, lại hợp với khí hậu, không sợ tình trạng heo chuyển chuồng nuôi, bỏ ăn, bị bệnh. Nhà anh Ha Len đã có thu nhập ổn định từ chuồng heo nái và anh đang tính toán mở rộng diện tích chăn nuôi.
“Chăn nuôi heo nái là giải pháp cho nhiều nông hộ tổ B’Nông Rết. Bà con nhiều nhà không có đất sản xuất, chỉ làm thuê rất bấp bênh nên chúng tôi chỉ nhau chăn nuôi heo nái”- ông Trần Văn Quang, Tổ trưởng Tổ hợp tác Chăn nuôi heo nái B’Nông Rết chia sẻ. Ông Quang cho biết, dân B’Nông Rết ít đất, nhiều nhà được cha mẹ chia đất cưới chồng, lập gia đình riêng nhiều khi chỉ có mỗi đất ở, không có đất sản xuất. Những hộ ít đất chỉ nhờ vào làm thuê quanh khu vực nên kinh tế rất khó khăn. Vì vậy, các hộ đã hướng dẫn nhau nuôi heo nái, vừa đơn giản, vừa an toàn, mức đầu tư thấp, phù hợp với khả năng của nông hộ. Ông Quang tính toán, một heo mẹ ăn hết khoảng 6 triệu tiền cám/lứa 5 tháng. Chỉ cần heo mẹ sinh nhiều con, nuôi cẩn thận thì với thời giá hiện tại cũng thu được 5-7 triệu/lứa, có 2 đến 3 heo nái là gia đình cũng có khoản thu thêm, cải thiện sinh hoạt. Các loại rau lang, khoai, người nuôi có thể trồng trong vườn, kiếm trên đồng ruộng, chi phí đầu tư không cao. Ông Quang cho biết, ban đầu là vài hộ nuôi tự phát. Sau thấy việc nuôi heo nái có hiệu quả, các hộ phát triển nhiều nên Hội Nông dân hướng dẫn bà con lập tổ hợp tác, lên danh sách, thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật. Bản thân là Tổ trưởng, là người có kinh nghiệm nuôi heo nái, ông cũng thường xuyên nhắc nhở nông hộ trong tổ chăm sóc đúng kỹ thuật, chích ngừa đầy đủ các loại vắc xin cho heo. Ông Quang đánh giá: “Giờ quan trọng nhất của tổ chúng tôi là việc phải tìm được nguồn giống chuẩn. Heo nái có thể nuôi tới 4-5 năm mới thay, heo mẹ chuẩn sẽ sinh ra bầy heo con đông, khỏe, mau lớn. Nhiều nông hộ không có kinh nghiệm, nuôi heo mẹ chưa chuẩn nên hiệu quả kinh tế không cao”.
Chị K’Thái, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đinh Văn đánh giá, Tổ hợp tác Chăn nuôi heo nái B’Nông Rết là một mô hình hiệu quả, phù hợp với khả năng đầu tư của nông hộ. Hiện, tổ đã thành lập, có nhiều thành viên đang tham gia, tích cực hỗ trợ nhau phát triển bầy heo nái đạt chuẩn. Sắp tới, Hội cũng sẽ có một số hỗ trợ cho thành viên như cho vay vốn chuẩn hóa đàn heo nái, hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo đàn heo nái phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định cho cư dân B’Nông Rết.