Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Công thương Thừa Thiên Huế: Ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao

Năm 2023 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Thừa Thiên Huế trong tiến trình thực hiện mục tiêu đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Là ngành có vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…việc đề ra những giải pháp, kế hoạch hợp lý sẽ góp phần phát triển căn cơ lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Xung quanh vấn đề này, phóng viên có buổi trao đổi với ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế.

Ngành Công thương Thừa Thiên Huế: Ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao
Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế

Năm 2023, ngành Công Thương Thừa Thiên Huế đã vượt khó để hoàn thành các mục tiêu đề ra, vậy xin ông cho biết những kết quả đã đạt được?

Ngay từ đầu năm 2023, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm kịp thời tham mưu đề xuất nhiều giải pháp và chính sách cụ thể tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp phát triển.… Cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động công nghiệp - thương mại trong năm 2023 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng khoảng 2,7% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 43.500 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 4,25% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 55.793 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.200 triệu USD, tăng 6,85% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, các sản phẩm chủ lực như sản xuất bia gặp nhiều thuận lợi và phát triển mạnh; các thị trường truyền thống tiếp tục tiêu thụ ổn định, sản lượng bia năm 2023 ước đạt 345 triệu lít, tăng 10,4% so với cùng kỳ; chế biến thủy hải sản gặp thuận lợi và đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2023.

Tuy nhiên, các ngành dệt may, gỗ, xi măng.. do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, sức tiêu thụ thị trường giảm sút, đa số các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng nên phải cắt giảm lao động và hoạt động cầm chừng…

Hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, thời gian tới tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp, ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao… Vậy xin ông cho biết cụ thể thực hiện lộ trình này trong thời gian đến?

Nhằm hiện hóa các mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển công nghiệp theo tinh thần, định hướng của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 24/5/2023 về thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn hiện nay đến năm 2030.

Mục tiêu chung tập trung tái cơ cấu đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực ngành công nghiệp, trong đó tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sử dụng vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh.

Ngành Công thương Thừa Thiên Huế: Ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch và công nghiệp công nghệ cao

Tập trung phát triển mạnh công nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu, hiện đại, phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh, sử dụng công nghệ sạch, đảm bảo môi trường; tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao. Ưu tiên phát triển một số ngành như công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh như LNG, năng lượng tái tạo..

Phát triển lĩnh vực may mặc từ mô hình CMT (gia công may mặc) hiện nay sang mô hình sản xuất ODM (từ thiết kế đến gia công); đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm may mặc để thụ hưởng các chính sách xuất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do… Phát triển ngành công nghiệp dệt may trở thành một trong những ngành chủ lực về xuất khẩu.

Từng bước hình thành và phát triển công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử và ngành công nghiệp hỗ trợ; tập trung thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao bao gồm sản xuất vật liệu mới, thiết bị điện tử - viễn thông, sản phẩm công nghệ thông tin, công nghiệp sản xuất rô bốt. Tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng, hàng lưu niệm phục vụ du lịch; phát triển công nghiệp nông thôn bền vững…

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều kế hoạch hành động, xác định mục tiêu, các định hướng, chính sách và giải pháp thực hiện liên quan đến chuyển đổi và phát triển theo hướng xanh và carbon thấp như: Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của các ngành theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh..

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng như quy hoạch chung phát triển đô thị tỉnh đã chú trọng và đặt trọng tâm vào phát triển xanh và bền vững, đưa các giá trị xanh và bền vững trở thành động lực cho phát triển…

Trọng tâm là nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất.. kêu gọi đầu tư vào các lĩnh lực năng lượng mới, năng lượng tái tạo mà tỉnh đang có tiềm năng lợi thế như: điện mặt trời, điện khí LNG, điện gió,… các dự án đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch điện VIII như: Sản xuất hydro xanh, sản xuất nhiên liệu sinh học, pin lưu trữ tích hợp và trang trại điện mặt trời…

Xin cảm ơn ông.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết