Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nuôi tôm công nghệ cao, các HTX tăng thu nhập cho thành viên

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ không chỉ giúp các HTX nuôi tôm kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn về môi trường mà còn tăng năng suất, giá trị sản phẩm.

Đầu tháng 3/2023, HTX Chợ Bến (xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tổ chức thu hoạch vụ tôm đầu tiên, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng thu về hơn 3,6 tỷ sau 3 tháng.

Tìm lối đi bền vững cho HTX

Được thành lập và đi vào hoạt động đầu tháng 12/2021, HTX Chợ Bến có 11 thành viên, ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh là nuôi tôm công nghệ cao.

Hiện HTX Chợ Bến đang canh tác 3ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 8 ao nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 1.000m2/ao; 1 ao ương tôm; diện tích còn lại dùng làm ao lắng để bơm nước ra vào mỗi ngày. Mỗi năm, HTX Chợ Bến có thể nuôi 3 vụ tôm công nghệ cao; trung bình mỗi ao nuôi thu hoạch từ 2-2,5 tấn tôm.

-6936-1680234709.jpg

HTX Chợ Bến đang thu hoạch tôm thẻ chân trắng.

Sau hơn 3 tháng nuôi, tôm thẻ chân trắng đạt trọng lượng từ 30-34 con/kg. Giá tôm thẻ thương lái thu mua tại ao dao động từ 180-200 ngàn đồng/kg.

Theo ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX Chợ Bến, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương, HTX đã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với mô hình nuôi tôm an toàn sinh học “CP.Biotic Farming”. Mô hình này kiểm soát tốt môi trường nước, ngăn ngừa bệnh gây hại cho tôm và thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận cao. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư sản xuất, HTX đạt lợi nhuận của vụ tôm đầu tiên 30% trên tổng doanh thu.

Tương tự, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (TP.Bà Rịa) có 100ha nuôi tôm. Năm 2019, HTX đầu tư 5 tỷ đồng chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng (gọi tắt là RAS). Với công nghệ này, nước được đưa vào ao xả, xử lý hóa chất qua hệ thống lắng để loại bỏ chất hữu cơ lơ lửng và kim loại nặng. Sau đó, nước được diệt khuẩn hoàn toàn trước khi cấp vào ao nuôi. Nguồn nước thải ra từ các ao nuôi tuần hoàn qua hệ thống ao lắng, hồ lọc.

Theo ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, nhờ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, HTX dễ dàng kiểm soát được môi trường nuôi. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong nuôi tôm, góp phần mang lại lợi nhuận cho HTX. Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX đã tăng từ 1 vụ tôm/năm trong ao đất lên 3 vụ/năm, năng suất 50-60 tấn/vụ/2ha, tổng doanh thu hàng năm 15-20 tỷ đồng.

Huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có hơn 240ha nuôi trồng thủy sản trên địa bàn ấp An Thạnh, xã An Ngãi. Việc phát triển, nhân rộng các mô hình nuôi cá, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao… đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Tạo giá trị cao trong nông nghiệp

Ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, xác định nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên ứng dụng tiến bộ KH-CN của tỉnh, Sở KH&CN đã đề xuất thực hiện 25 mô hình triển khai trong giai đoạn 2023-2027.

Hầu hết các mô hình đề xuất ứng dụng tiến bộ KH-CN đều có hiệu quả kinh tế và có tính lan tỏa, nhân rộng dễ dàng, thuận lợi, góp phần giải quyết gia tăng giá trị sản lượng, xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, kết nối du lịch, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong tỉnh.

Theo ông Nhật, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua mang lại nhiều hiệu quả, trong đó có ngành nuôi trồng thủy sản. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, tỷ lệ giá trị sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 47,52% (năm 2021 chiếm 43,83%). Ngoài nâng cao năng suất, tăng chất lượng thủy sản, những chỉ số về môi trường, dịch bệnh cũng được khắc phục đáng kể. Công nghệ cao được áp dụng chủ yếu trong nuôi trồng, sản xuất thủy sản là công nghệ nuôi tôm sinh học siêu thâm canh, nguồn nước tuần hoàn và khép kín, sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel, quy trình 3 sạch, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ 250-500 con/m2 và nuôi được 3-5 vụ/năm...

“Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong dự án sẽ triển khai nhanh trong hai năm 2023 và 2024 để các HTX, DN kịp thời phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ đề án này, Sở cũng sẽ đề xuất xây dựng sản phẩm nông nghiệp chiến lược cho tỉnh và các địa phương”, Giám đốc Sở KH-CN thông tin.

Hoàng Hà


Tác giả: Tìm lối đi bền vững cho HTX
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết