Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thu tiền tỷ nhờ ứng dụng công nghệ cao để trồng quýt, nuôi thủy sản

Xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những trụ cột trong phát triển kinh tế, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang đẩy mạnh hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các HTX, tổ hợp tác phát triển nhanh, bền vững theo chuỗi giá trị.

Vụ Tết 2023 vừa qua, vựa quýt 16 ha của gia đình chị Trần Thúy Hạnh (xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) thuê gần 50 lao động thời vụ hái quả để kịp tiêu thụ. Các thương lái đến tận rẫy mua quýt chở đi các chợ đầu mối, khắp các tỉnh Miền Đông, TP.HCM và ra cả Thủ đô Hà Nội.

Làm giàu nhờ ứng dụng công nghệ

Đây là thành quả sau hơn 3 năm chị Hạnh tiến hành một cuộc “cải tổ” quy mô lớn trên khu vườn của gia đình, bằng việc ứng dụng công nghệ về tưới nên tiết kiệm nước và bón phân tự động trị giá hàng trăm triệu đồng.

Theo chị Hạnh, chỉ riêng hệ thống tưới tự động tốn chi phí khoảng 100 triệu đồng. Nhờ sản xuất khoa học, vườn quýt cho giá trị trên dưới 300 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động với tiền công 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ có các cá nhân, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang hình thành hàng loạt HTX ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

-6066-1680074580.jpg

Nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tăng hiệu quả sản xuất (Ảnh: BBR-VT). 

Điển hình, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, phường Long Hương, TP. Bà Rịa, đang là một trong những đơn vị tiên phong đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm xuất khẩu. Mô hình nuôi tôm của HTX được ứng dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn, thực hiện từ năm 2016, cho giá trị cao.

Giám đốc HTX Nguyễn Kim Chuyên cho biết, mô hình nuôi tôm công nghệ cao giúp HTX giảm tỷ lệ hao hụt, tôm khỏe, lớn nhanh, tỷ lệ thắng vụ được nâng cao hơn 30% so với nuôi thường. Hiện HTX đã có 3 khu nuôi với hơn 5.000m2 bể nuôi trong nhà màng, mỗi năm 3 vụ, năng suất 40-50 tấn/vụ.

Không chỉ cho giá trị kinh tế cao, nuôi tôm theo phương pháp tuần hoàn nước khép kín có nhiều lợi điểm, đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế nguy cơ dịch bệnh, tiết kiệm nước, thích ứng biến đổi khí hậu.

“Nước trong bể nuôi luân chuyển liên tục, sau khi qua các ao xử lý, nguồn nước nuôi tôm được trả về bể nuôi đảm bảo các tiêu chí sạch, an toàn để tôm phát triển, hạn chế tối đa dịch bệnh và hoàn toàn không sử dụng các chất kháng sinh”, ông Chuyên chia sẻ.

Tương tự, dự án ứng dụng công nghệ sinh học xử lý chất thải rắn từ những phụ phẩm bỏ đi như cành, lá, vỏ các cây nhãn, xoài, chuối… để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh dạng lỏng và rắn của HTX Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) cũng đang cho giá trị kinh tế vượt trội.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả

Ông Phan Thế Hoành, Giám đốc HTX Nhân Tâm, cho biết dự án vừa bảo vệ môi trường, vừa đem lại lợi ích kinh tế cao cho HTX.

Theo tính toán, chi phí sản xuất một kg phân bón vi sinh từ cành, lá cây… chỉ mất có 3.000 đồng, trong khi giá mua trên thị trường là 8.000 đồng/kg. Với dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh đạt trên 2.000 tấn/năm, HTX có thể thu về lợi nhuận trên dưới 10 tỷ đồng/năm.

Đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có trên 500 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 4.837 tỷ đồng/năm (năm 2022). Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa tỷ trọng giá trị sản xuất công nghệ cao chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Đại diện Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả cao của các lĩnh vực trong nền kinh tế tỉnh. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, với mục tiêu mở rộng vùng trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao, tỉnh đã và sẽ tạo quỹ đất sạch với hàng ngàn ha tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ để kêu gọi HTX, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Nhờ cơ chế hỗ trợ thiết thực, trên địa bàn huyện Châu Đức đã quy hoạch một vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại xã Suối Rao và hiện đang có hàng chục trang trại chuồng lạnh, chăn nuôi khép kín.

Huyện cũng đã có hơn 3.500ha đất được đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các cây hồ tiêu, rau, cây ăn quả…

Trên quy mô toàn tỉnh, tỷ trọng giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản phẩm trồng trọt có xu hướng tăng qua các năm. Quy mô đàn vật nuôi ứng dụng công nghệ cao so với tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh đạt tỷ lệ 70,27%. Diện tích nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 36,98% trên tổng quy mô nuôi thủy sản toàn tỉnh. Giá trị sản xuất đạt trên 109 triệu đồng/ha.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách hỗ trợ về đất đai, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích phát triển HTX, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh cũng sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng khu, vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực phát triển trang trại công nghệ cao trong nông nghiệp, xúc tiến thương mại nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức kêu gọi, hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm gia tăng thu nhập cho người dân.

Lệ Chi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật