Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỉnh Sơn La: 4 đề xuất gỡ vướng cho công tác xúc tiến thương mại quốc gia

Có mô hình tổ chức, quy chế phối hợp rõ ràng là một số kiến nghị của đại diện tỉnh Sơn La nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại quốc gia.

Ông Nghiêm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La cho biết: Năm vừa qua, công tác xúc tiến thương mại của Sơn La đã thay đổi nhiều phương thức thực hiện từ trực tiếp sang trực tuyến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng thương mại… từ đó kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá nhất là nông sản cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đơn vị đã chủ trì tổ chức thực hiện 9 chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng; đưa sản phẩm nông sản Sơn La tới các điểm nhận diện thương hiệu tại 6 siêu thị; tham dự 7 hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại tại các địa phương Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình…

Tỉnh Sơn La: 4 đề xuất gỡ vướng cho công tác xúc tiến thương mại quốc gia
Ông Nghiêm Văn Tuấn- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La

Bên cạnh đó, phối hợp cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã tham dự 8 chương trình, hội chợ thương mại ngoài tỉnh; hỗ trợ, phối hợp với hợp tác xã tham gia 6 hội chợ; phối hợp tổ chức 4 sự kiện xúc tiến thương mại; tổ chức 3 lớp tập huấn về xúc tiến thương mại…

Địa phương cũng đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ làm công tác làm xúc tiến thương mại, ban hành kế hoạch của tỉnh theo Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương ban hành.

Nhờ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Sơn La nói riêng, các địa phương nói chung có cơ hội quảng bá sản phẩm; kết nối giao thương, thu hút nhà đầu tư, nhất là thu hút đầu tư vào các dự án chế biến tại địa phương; nối cầu giữa người tiêu dùng và đơn vị thương mại góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đời sống của người dân”, ông Nghiêm Văn Tuấn nói.

Ông cũng cho biết thêm, hội chợ thương mại là nội dung quan trọng trong công tác xúc tiến thương mại quốc gia. Hội chợ là nơi giao lưu văn hoá của các địa phương, từ đó phát triển du lịch, thu hút đầu tư…

Dù vậy, từ thực tế địa phương, ông Nghiêm Văn Tuấn cũng cho hay: Trong quá trình thực hiện, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã gặp một số vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục.

Trong đó, đề nghị Cục Xúc tiến thương mại tham mưu cho Chính phủ ban hành mô hình Trung tâm xúc tiến thương mại chung trên toàn quốc. “Trung tâm Xúc tiến đầu tư Sơn La hiện thực hiện 3 chức năng thương mại, đầu tư, du lịch nhưng thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư. Ở một số địa phương Trung tâm lại trực thuộc đơn vị khác nên sự phối hợp bị hạn chế”, ông Nghiêm Văn Tuấn ví dụ.

Tỉnh Sơn La: 4 đề xuất gỡ vướng cho công tác xúc tiến thương mại quốc gia
Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giúp Sơn La quảng bá, tiêu thụ tốt sản phẩm

Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng cần có quy chế phối hợp rõ ràng. Hiện, một số hoạt động được triển khai theo vùng ví như 8 tỉnh Tây Bắc, tuy nhiên sản phẩm của vùng tương tự nhau, hiệu quả giao thoa không thực sự tốt. Nên có sự phối hợp giữa các địa phương ở khu vực khác nhau để hoạt động hiệu quả hơn.

Trong hoạt động tổ chức hội chợ, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nên bỏ phần đối ứng, tập trung toàn bộ ngân sách để địa phương làm gian hàng hiệu ứng quảng bá tốt hơn, gian hàng đẹp hơn. Nếu duy trì phần đối ứng, đơn vị tổ chức phải đưa các gian hàng thương mại vào hội chợ rất khó quản lý.

Riêng với Sơn La, ông Nghiêm Văn Tuấn đề nghị: Cho phép địa phương tổ chức hội chợ thường niên dịp 2-9 ở địa bàn đông dân tộc mông sinh sống. Nguyên do, thời điểm đó, du khách đến thưởng thức Tết Độc lập của bà con rất đông, đặc biệt ở Mộc Châu và Bắc Yên, hiệu ứng quảng bá rất tốt.

Chia sẻ với những khó khăn của Sơn La trong triển khai công tác xúc tiến thương mại, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho hay: Chúng ta đang đối mặt với vấn đề tổ chức bộ máy của Trung tâm xúc tiến thương mại chưa thực sự ổn định và rõ ràng, gây nên những thách thức và khó khăn trong triển khai thống nhất và đồng bộ công tác xúc tiến thương mại trên cả nước.

Nguồn lực dành cho xúc tiến thương mại ở cả địa phương và Trung ương rất eo hẹp, chưa thực sự xứng đáng với vai trò và yêu cầu của công tác này. “Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công Thương có ý kiến với địa phương nghiên cứu và đề xuất về cơ cấu tổ chức bộ máy xúc tiến thương mại ở địa phương. Giải quyết những khó khăn này hoạt động xúc tiến thương mại trên cả nước sẽ được khắc phục khó khăn và có hiệu quả hơn”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết