Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 22/6: Vì sao xe máy khan hàng, tăng giá chóng mặt?

Bộ Công Thương lý giải vì sao xe máy khan hàng, tăng giá chóng mặt?

Cụ thể, về chủ đề thị trường, Báo Giao thông có bài “Xe máy khan hàng, tăng giá "chóng mặt": Bộ Công Thương chỉ rõ nguyên nhân”.

Nội dung bài báo viết, theo ghi nhận, nhiều tháng nay, giá bán xe máy trong nước liên tục bị đẩy lên cao. Nhiều hãng xe luôn ở trong tình trạng khan hàng. Thậm chí, nhiều đại lý còn không dám nhận thêm cọc vì không biết khi nào hàng mới về trở lại.

Lý giải nguyên nhân trên, tác giả bài báo dẫn ý kiến của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), xe máy khan hàng, tăng giá là do thiếu chip. Diễn biến này xảy ra do Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid".

Liên quan đến lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh doanh đăng bài “Xuất khẩu thủy sản sang Đan Mạch lập đỉnh trong tháng 5”.

Bài báo dẫn thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Đan Mạch đạt 8,2 triệu USD, tăng 79% so với tháng 5/2021, mức cao nhất theo tháng kể từ trước đến nay.

Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Đan Mạch đạt 33 triệu USD, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng về chủ đề thương mại, xuất nhập khẩu, Báo Dân Việt có bài “Thương mại giữa Việt Nam và châu Mỹ chưa bứt phá dù rất tiềm năng, vì sao?”

Tác giả bài báo viết, dù được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng khu vực châu Mỹ vẫn gặp khó trong tiếp cận hệ thống phân phối, giá trị hàng hoá xuất khẩu còn thấp…

Để vượt qua những trở ngại trên, thúc đẩy tăng mạnh kim ngạch thương mại, theo Bộ Công Thương, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định ưu đãi thương mại. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác tốt lợi ích từ các Hiệp định.

Đồng thời, hoàn thiện và tăng cường hiệu quả các khuôn khổ hợp tác như Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban Hỗn hợp, Hội đồng thương mại… Tìm kiếm và xây dựng các cơ chế hợp tác mới để thúc đẩy quan hệ thương mại với các đối tác châu Mỹ.

“Tổng công suất của các loại điện mặt trời nối lưới hiện là 16.491 MW, chiếm 27,4% tổng công suất lắp đặt, đang gây những thách thức nhất định trong quá trình vận hành hệ thống điện Việt Nam…” là nội dung bài viết “Thách thức dự án điện mặt trời” đăng trên Báo Đầu tư.

Tác giả bài báo trích lời chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn, người tham gia phản biện Dự thảo Quy hoạch điện VIII, thách thức của điện mặt trời hiện nay là chưa có quy định rõ ràng về cơ chế đấu thầu, còn với điện mặt trời mái nhà thì không có cơ chế khuyến khích. Chưa kể, cả hai loại nguồn điện mặt trời đều không quy hoạch phát triển trong 10 năm tới.

Cũng liên quan đến năng lượng, Báo Người lao động có bài “Đề xuất giảm thuế xăng dầu: Như muối bỏ bể!”.

Tác giả bài báo viết, giá xăng tăng và giải pháp giảm thuế để hạ nhiệt mặt hàng này tiếp tục được người dân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra khiến nhiều người đánh giá chỉ như "muối bỏ bể" so với giá xăng dầu đang lập đỉnh hiện nay.

Hiện nay, ngoài thuế bảo vệ môi trường, trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, mỗi lít bán ra đang có 3 loại thuế khác, gồm: giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%). Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đề nghị cần giảm thêm các loại thuế như giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt thì mới góp phần hạ giá xăng dầu một cách đáng kể.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết