Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 4/8: Đảm bảo cung ứng điện cho những tháng cuối năm

Bộ Công Thương chuẩn bị các phương án cấp đủ điện những tháng cuối năm là nội dung được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm trong ngày 4/8.

Báo Sài Gòn giải phóng có bài “Bộ Công Thương chuẩn bị các phương án cấp đủ điện những tháng cuối năm”.

Nội dung bài báo đăng, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong năm 2022, Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều giải pháp, trong đó chỉ đạo các nhà máy thủy điện tập trung thực hiện tích nước các hồ thủy điện để chuẩn bị cho mùa khô, sử dụng tiết kiệm nguồn nước thủy điện, nhất là dịp cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2022 tại đồng bằng Bắc bộ, qua đó hầu hết các thủy điện đều duy trì được mực nước khá cao.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao do ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị trên thế giới, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị cung cấp than đồng thời yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than có giải pháp đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện và chỉ đạo các đơn vị điện lực sắp xếp kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hợp lý, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, tránh sửa chữa các nguồn điện trong thời gian cao điểm nắng nóng.

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 4/8: Đảm bảo cung ứng điện cho những tháng cuối năm
Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị điện lực sắp xếp kế hoạch bảo dưỡng hợp lý, tránh sửa chữa các nguồn điện trong thời gian cao điểm nắng nóng

Về chủ đề xuất nhập khẩu, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đăng bài “Xuất khẩu tiếp tục đối mặt nhiều thách thức”.

Tác giả bài báo dẫn thông tin từ Bộ Công Thương, trong 7 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Cho dù xuất khẩu 7 tháng năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực, song Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng… sẽ ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng mạnh do giá xăng dầu tăng cao cũng gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu. Lo ngại hơn, trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với giá nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu tăng cao sẽ tác động đến giá hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Cũng liên quan đến xuất nhập khẩu, Báo Lao động đăng nội dung về diễn đàn Phát triển dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây với bài viết “Logistics tại Đà Nẵng: Doanh nghiệp nhỏ, sân bay bến cảng quá tải”.

Bài báo dẫn thông tin từ ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đánh giá, Đà Nẵng có những lợi thế đặc biệt và có vai trò chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, thực tế, cơ sở hạ tầng logistics thành phố chưa đồng bộ và xứng tầm với vai trò trung tâm dịch vụ logistics của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung để giúp kết nối hiệu quả với Hành lang Kinh tế Đông Tây và cả nước, đồng thời, chưa tạo được hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa đa phương thức trong nội bộ thành phố và liên vùng, xuyên biên giới ngày càng lớn.

“Thách thức nguồn lao động ngành dệt may” - là bài đăng nổi bật trên Trang tin điện tử tổng hợp CafeF sáng nay.

Bài viết có nội dung, hiện nay, nguồn nhân lực ngành dệt may không chỉ cạnh tranh trong nội bộ ngành giữa các doanh nghiệp, mà còn với những ngành nghề, lĩnh vực khác. Do đó, thiếu công nhân lao động đang là vấn đề nan giải của doanh nghiệp ngành dệt may. Phần lớn lao động trong ngành dệt may là dạng phổ thông, thực hiện các công đoạn gia công sản phẩm, còn các khâu yêu cầu có trình độ kỹ thuật như nhuộm, hoàn thiện vải, thiết kế sản phẩm vẫn còn đang thiếu và yếu.

Bộ Công Thương cũng thống kê, khoảng 75% lao động trong lĩnh vực dệt may chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng. Đây là thách thức cho ngành trong quá trình chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết