Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá bánh Trung thu tăng mạnh, doanh nghiệp lo ‘ế’ hàng

Dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở đã chào bán bánh Trung thu với giá bánh tăng cao kỷ lục so với năm ngoái.

Theo các doanh nghiệp sản xuất, năm nay "bão giá" khiến chi phí cho phần nguyên liệu đầu vào để làm bánh tăng. Do đó, nhiều đại diện đơn vị kinh doanh bánh Trung thu lớn cho biết, giá bánh bán ra thị trường sẽ cao hơn so với những năm trước.

Giá bánh tăng 25%

Dọc các tuyến đường ở Hà Nội như Nguyễn Xiển (quận Hoàng Mai), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân)... nhiều cửa hàng bán bánh Trung thu đã bắt đầu đưa sản phẩm ra bán.

Mở bán bánh Trung thu hiệu Kinh Đô tại đường Nguyễn Xiển từ đầu tuần qua, anh Trần Đình Tùng cho biết, phần lớn giá bánh bán ra tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/cái so với các năm trước.

20220801-104558-8565-1659346198.jpg

So với năm 2020 giá bánh Trung thu các loại năm nay tăng 15-25% do chi phí đầu vào tăng mạnh.

Chẳng hạn, bánh Kinh Đô loại có giá bán thấp nhất cũng lên tới 55.000 đồng/cái (bánh dẻo không trứng 180g), còn bánh mặn 2 trứng lên tới 122.000 - 167.000 đồng/cái (210g) - tức bằng 1/2 hộp bánh (4 cái) vào những năm trước. Bánh Như Lan thập cẩm gà quay 2 trứng 125.000 đồng/cái (250g). Một số bánh đặc biệt như bánh bào ngư giá 167.000 đồng/cái (2 trứng, 210g), gà quay sốt X.O giá 390.000 đồng/cái (4 trứng, 800g); bánh Trung thu Như Lan yến sào vi cá 750.000 đồng/cái (8 trứng, 1,2 kg)…

"Mức tăng khá cao, nên chúng tôi lo ngại nhu cầu giảm so với mọi năm vì ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều người giảm thu nhập nên tôi chỉ nhập về cầm chừng để vừa bán vừa đo lường sức mua", anh Tùng tính toán.

Anh Tùng cho biết, thời điểm hiện nay mỗi ngày cửa hàng bán được khoảng 10 hộp bánh, chủ yếu khách hàng mua để thưởng thức hoặc đi biếu người thân. "Hy vọng "sức mua" sẽ tăng mạnh trong thời gian tới", anh Tùng nói.

Trao đổi với VnBusiness ngày 1/8, chị Nguyễn Thị Thu Huyền, chủ cơ sở sản xuất bánh Trung thu cổ truyền Thịnh Hiền (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, giá bánh bán ra tăng 5.000 đồng/cái so với năm ngoái với mức 50.000 – 65.000 đồng/cái.

Theo chị Huyền, mức tăng trên không nhiều nếu so với giá nguyên liệu đầu vào tăng hơn 15%, nhưng đơn vị vẫn lo lắng vì sức mua có khả năng giảm mạnh. "Tới thời điểm này, lượng khách chưa nhiều, số lượng đại lý cũng giảm, đặc biệt lượng khách hàng là doanh nghiệp thường đặt mua sớm cũng giảm 40 - 50% so với mọi năm", chị Huyền thông tin.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thành Đô  - doanh nghiệp vừa sản xuất vừa phân phối bánh Trung thu, cho hay so với năm 2020 giá bánh Trung thu các loại năm nay tăng 15-25% do chi phí đầu vào tăng mạnh.

Theo ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc DNTN Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), "ông lớn" trong ngành bánh Trung thu nhưng năm ngoái cũng ngưng hoàn toàn, năm nay tái khởi động do kinh tế vừa phục hồi. "Chúng tôi nỗ lực kiềm giá để giữ thị trường với mức tăng 5-10% so với những năm trước nhằm bù đắp chi phí đầu vào", ông Lực cho hay.

Trong khi đó, đại diện thương hiệu Givral cũng cho biết, sản lượng mùa bánh Trung thu 2022 tăng 20% so với năm 2020, giá bánh tăng 5-7%. Theo đó, giá bán trung bình từ 120.000 - 345.000 đồng/bánh, tùy nhân và kích cỡ.

Cẩn trọng với chất lượng

Theo các chuyên gia, mùa Trung thu đang đến gần, thị trường đang dần sôi động, bên cạnh các thương hiệu uy tín, cũng xuất hiện nhiều mặt hàng bánh siêu rẻ, không rõ nguồn gốc.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Phi Hiển, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, chuẩn bị cho dịp Trung thu, thị trường đang tăng dần sức mua. Chính vì vậy, một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố đã nhập hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ với giá rẻ. Cục đã phối hợp với lực lượng chức năng chuyên ngành tăng cường kiểm tra các mặt hàng bánh Trung thu và đồ chơi trẻ em trong dịp này.

Điển hình, mới đây Đội Quản lý thị trường số 24 (Hà Nội) đã kiểm tra và tạm giữ 5.100 bánh Trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng này tại La Phù, Hoài Đức khai nhận, số bánh này được mua trôi nổi trên thị trường để về bán kiếm lời nên không có hóa đơn, chứng từ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo, một số cá nhân đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Đa phần, sản phẩm được rao bán, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán online, cộng đồng các khu dân cư.

Vì vậy, để tránh mua phải hàng kém chất lượng qua mạng xã hội, người tiêu dùng cần tìm hiểu kĩ thông tin về người bán, xem xét về nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm.

"Đặc biệt, khách hàng không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán, không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, địa chỉ đăng hàng qua tin nhắn, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng online, không có cửa hàng cụ thể. Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái để bảo vệ sức khỏe của mình", ông Hiển khuyến cáo.

Thanh Hoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết