Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thách thức giữ mặt bằng lãi suất huy động thấp

Lãi suất huy động tại phần lớn các ngân hàng giữ ổn định trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7, cho thấy xu hướng giảm đã chững lại. Dư địa điều chỉnh tiếp không còn nhiều, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực về tỷ giá, duy trì thanh khoản hệ thống…

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất điều hành ở mức thấp nhằm định hướng giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn.

Duy trì thanh khoản dồi dào cho nhà băng

Theo đánh giá của NHNN, kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ quay trở lại.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, phù hợp với diễn biến cung - cầu trên thị trường tiền tệ. NHNN duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá hằng ngày với khối lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng; đồng thời đa dạng hóa và kéo dài kỳ hạn chào mua, góp phần hỗ trợ nguồn vốn trung dài hạn cho hệ thống ngân hàng, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giữ ổn định vĩ mô.

-4364-1752745007.jpg

Lãi suất huy động ở mức thấp, thanh khoản của các ngân hàng dồi dào nhờ chính sách "kìm giữ" của NHNN.

Theo ghi nhận của VnBusiness, gần đây, NHNN đẩy mạnh bơm thanh khoản để hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng bật tăng trở lại và tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong tuần vừa qua, NHNN tiếp tục bơm ròng gần 9.400 tỷ đồng thông qua thị trường mở (OMO), kéo dài xu thế bơm ròng của các tuần trước đó. Động thái này được các chuyên gia đánh giá là góp phần quan trọng trong bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Bà Hoàng Thị Minh Huyền, Chuyên gia kinh tế vĩ mô, Công ty Chứng khoán Bảo Việt BVSC phân tích: "Khối lượng bơm tiền lại cho thị trường là trên 120.000 tỷ. Động thái này là sự linh hoạt của NHNN trong việc điều tiết thanh khoản. Nó cho thấy quan điểm khá nhất quán của NHNN trong năm nay trong việc hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế với việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào để thúc đẩy cho tăng trưởng".

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất điều hành ở mức thấp nhằm định hướng giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn. Thực tế, từ đầu năm đến nay mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm. Trong tháng 6/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,3%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024.

Khảo sát của VnBusiness, hiện nay có 4 ngân hàng niêm yết lãi suất huy động từ 7,7%/năm, nhưng để được nhận các mức lãi suất này phải có số tiền gửi cực lớn.

Cụ thể, ABBank áp dụng lãi suất đặc biệt 9,65%/năm cho kỳ hạn 13 tháng nhưng khách hàng phải duy trì số dư tối thiểu 1.500 tỷ đồng. PVComBank áp dụng lãi suất 9%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng, với điều kiện khách hàng phải gửi số tiền 2.000 tỷ đồng. HDBank áp dụng lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng. Vikki Bank đưa ra mức lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn từ 13 tháng, với số tiền tối thiểu 999 tỷ đồng.

Với mức tiền gửi hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng, rõ ràng mức lãi suất huy động này không dành cho đa phần người dân, thường chỉ có các tổ chức kinh tế mới có số dư lớn như vậy.

Trong khi đó, một số ngân hàng như Techcombank, TPBank, PVCombank... áp dụng chính sách cộng thêm, lãi suất huy động cao nhất sẽ gần chạm mốc 6,0%.

Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng dao động chủ yếu từ 4,6%-6%/năm. 

Cần sự điều hành linh hoạt

Lãi suất huy động vốn đang ở mức rất thấp trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng. Vì thế, có nhiều ngân hàng rục rịch xu hướng tăng nhẹ lãi suất huy động khoảng 0,1 - 0,2%/năm.

Giới phân tích cho rằng nguyên nhân chủ yếu là các ngân hàng cần thu hút lượng tiền gửi để có nguồn vốn phục vụ nhu cầu cho vay ra, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng nửa đầu năm tăng gần 10%, cao nhất trong nhiều năm.

Áp lực tăng trưởng tín dụng cao cũng tạo sức ép trên thị trường liên ngân hàng. Có thời điểm, lãi suất qua đêm đã chạm mức 6,4%/năm. Tuy nhiên, sau hàng loạt động thái bơm thanh khoản cho hệ thống từ NHNN, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm về khoảng 4,6%/năm.

Chuyên gia tài chính, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân đánh giá: “Lãi suất huy động đang có thể kìm giữ nhờ NHNN. Nếu nhà điều hành vẫn tiếp tục bơm thanh khoản nhiều cho hệ thống thì lãi suất vẫn duy trì thấp. Cùng với đó, nếu các ngân hàng bắt đầu rục rịch đà tăng lãi suất, ngay lập tức nhà điều hành sẽ can thiệp. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt, nếu giữ lãi suất thấp trong bối cảnh hiện tại, áp lực tỷ giá sẽ rất lớn. Dù đồng USD đang có xu hướng suy yếu, nhưng VND vẫn tiếp tục mất giá so với USD, tức xảy ra tình trạng suy yếu kép".

Trong báo cáo mới đây về việc thực hiện các nghị quyết chất vấn của Quốc hội, NHNN thừa nhận mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực. Trong đó, lãi suất cho vay giảm mạnh trong thời gian qua, khiến dư địa điều chỉnh tiếp trở nên hạn hẹp. Đồng thời, nhu cầu tín dụng dành cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được dự báo sẽ tăng mạnh nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong khi đó, khả năng huy động vốn của toàn hệ thống tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn do sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác...

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, nếu tỷ lệ lạm phát không biến động hoặc có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng với nhau, điều hành linh hoạt về chính sách tiền tệ của NHNN, tôi tin chắc rằng giữ ổn định được mặt bằng lãi suất đầu vào, tăng được nguồn vốn huy động và giữ được sự ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng, NHNN cũng cần điều hành linh hoạt để cân bằng giữa ổn định lãi suất và biến động tỷ giá, thông qua nhiều biện pháp như phát hành tín phiếu, hay chào mua giấy tờ có giá… Qua đó hỗ trợ các ngân hàng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ cơ quan điều hành để có điều kiện giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thanh Hoa


Tác giả: Duy trì thanh khoản dồi dào cho nhà băng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết