Hà Nội công khai các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội vừa công khai danh sách 59.944 đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 1/2025 với số tiền chậm đóng là 3.123,4 tỷ đồng.
Ngay sau khi danh sách được công khai, đã có 9.049 đơn vị thực hiện khắc phục với số tiền 385,5 tỷ, giúp giảm 12,3% tổng số tiền chậm đóng.
Tình trạng doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT kéo dài không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn vi phạm các quy định.
Việc công khai danh sách đã tạo áp lực, buộc nhiều đơn vị nhanh chóng nộp tiền để tránh bị xử phạt hành chính. Kết quả cho thấy, số tiền chậm đóng đã giảm hơn 12,3% ngay sau khi danh sách được công bố, giúp đảm bảo chế độ cho người lao động.
Theo Khoản 1 Điều 86 Luật BHXH 2014, người sử dụng lao động phải đóng BHXH bắt buộc hàng tháng. Quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 7 Văn bản hợp nhất 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 nêu rõ hạn chót là ngày cuối cùng của tháng. Việc chậm đóng có thể bị tính lãi, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trốn đóng.
BHXH Hà Nội khuyến nghị các đơn vị sử dụng lao động thực hiện đúng quy định để tránh rủi ro pháp lý và đảm bảo quyền lợi cho người lao động |
BHXH Hà Nội khuyến nghị các đơn vị sử dụng lao động thực hiện đúng quy định để tránh rủi ro pháp lý và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đồng thời, cơ quan BHXH sẽ tiếp tục giám sát, công khai danh sách các đơn vị chậm đóng để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.
Người lao động cũng có thể chủ động kiểm tra tình trạng đóng BHXH trên ứng dụng VssID – BHXH số để kịp thời phản ánh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Theo quy định, các trường hợp được coi là chậm đóng Bảo hiểm y tế gồm: Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng Bảo hiểm y tế kể từ sau ngày đóng Bảo hiểm y tế chậm nhất; Không lập danh sách hoặc lập danh sách không đầy đủ số người phải tham gia Bảo hiểm y tế trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định.
Các trường hợp được coi là trốn đóng Bảo hiểm y tế gồm: người sử dụng lao động không lập danh sách hoặc lập danh sách không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm y tế sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định; Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm y tế sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế chậm nhất theo quy định và và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định của Chính phủ; Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế thấp hơn tiền lương quy định.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao kỷ luật và trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng các khoản Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho cán bộ nhân viên của mình.