Bà Trương Mỹ Lan muốn bán 82% vốn góp tại FWD Việt Nam để khắc phục hậu quả
Bà Trương Mỹ Lan muốn HĐXX hủy bỏ kê biên cổ phần tại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam, Công ty Hợp Thành 1... để bán lấy tiền khắc phục hậu quả vụ án.
Ngày 30/9, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử giai đoạn 2 của vụ án xả ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị có liên quan.
Tại đây, hội đồng xét xử tiếp tục làm việc với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhằm làm rõ quan điểm của họ về việc xử lý các tài sản hiện đang bị thu giữ, kê biên trong vụ án.
Đại diện Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam (Công ty FWD) đã được triệu tập. Theo hồ sơ vụ án, cơ quan chức năng đã kê biên 82% (giá trị khoảng 492 tỷ đồng) vốn góp của bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tại Công ty FWD.
Bị cáo Lan khẳng định số cổ phần này không thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và không có liên quan đến Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Bị cáo Lan cũng tiết lộ trước đây có người trả 200 - 300 triệu USD để mua số cổ phần này nhưng bà không bán. Bị cáo mong hội đồng xét xử giải tỏa kê biên để bà có thể bán cổ phần và dùng số tiền đó khắc phục hậu quả vụ án.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. (Ảnh: VD) |
Liên quan đến 18% vốn góp của Công ty Setra (1 trong 4 doanh nghiệp phát hành các lô trái phiếu khống) tại Công ty liên doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành, đang bị kê biên, bà Nguyễn Thị Minh Hải (đại diện Vietcombank) đề nghị hội đồng xét xử hủy bỏ lệnh kê biên để Vietcombank và Setra triển khai việc chuyển nhượng.
Theo bà Hải, Vietcombank và Setra đã ký thỏa thuận chuyển nhượng vốn góp, việc ký kết này được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) hướng dẫn cụ thể về phương thức, quy định. Dự kiến Vietcombank sẽ thanh toán toàn bộ cho Setra thông qua hình thức chuyển khoản, đảm bảo quy định pháp luật theo hướng dẫn của C03.
Đại diện Setra cũng đề nghị hội đồng xét xử giải tỏa kê biên để công ty bán lại cổ phần cho Vietcombank và xin giữ lại 20% để đóng thuế, phí, số còn lại sẽ dùng để khắc phục hậu quả của việc phát hành trái phiếu.
Trình bày về nguồn gốc 18% cổ phần tại Công ty Setra, bà Trương Mỹ Lan cho biết đây là cổ phần của mẹ bà. Theo bà Lan, gia đình bà chuyên góp vốn tại các công ty để lấy lãi.
Tỏ ý không muốn bán 18% cổ phần tại Setra cho Vietcombank, bà Lan đề nghị hội đồng xét xử giải tỏa kê biên đối với số cổ phần này nhưng yêu cầu được đem ra bán đấu giá, người nào trả giá cao thì bán và người nhà bị cáo được đứng ra bán.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang kê biên 100% cổ phần của các bị cáo tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư thương mại dịch vụ Hòa Thuận Phát (Công ty Hoà Thuận Phát). Công ty này một trong 5 cổ đông của Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông. Cụ thể, Công ty Hoà Thuận Phát nắm giữ 8% cổ phần tại An Đông (trong khi Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chiếm 49%; Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát 22,89%; Trương Mỹ Lan 20%; Công ty Quản lý và phát triển đô thị vệ tinh Le Jardin Nam Sài Gòn 0,11%).
Liên quan đến Công ty Hòa Thuận Phát, bị cáo Trương Huệ Vân, cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan khai rằng bị cáo không nhớ rõ mình có sở hữu cổ phần hay chỉ là đại diện cho anh chị em. Bị cáo Vân cho biết công ty này được thành lập từ tiền của bà nội cô và không liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, bị cáo Vân không có tài liệu nào chứng minh việc bà nội cho tiền thành lập công ty.
Bị cáo Trương Huệ Vân cũng bày tỏ mong muốn hội đồng xét xử giải tỏa kê biên đối với Công ty Hoà Thuận Phát vì công ty này có giá trị truyền thống gia đình hơn là về mặt vật chất và bị cáo hy vọng có thể tiếp tục giữ gìn và phát triển nó trong tương lai.
“Bà nội mua bán vàng có lãi cho anh em bị cáo tiền để lập công ty, chính vì vậy mới có tên là Hòa Thuận Phát, mong hội đồng xét xử giải tỏa kê biên. Công ty này không có giá trị nhiều về vật chất nhưng có giá trị về truyền thống gia đình, bị cáo mong muốn được giữ lại để sau này có cơ hội sẽ tiếp tục gìn giữ, phát triển”, bị cáo Trương Huệ Vân trình bày.
Cùng với đó, bà Trương Mỹ Lan cũng mong muốn giữ lại Công ty Hòa Thuận Phát, khẳng định công ty này do mẹ của bà lập ra cho ba anh em Trương Huệ Vân để làm từ thiện, xây dựng chùa và không liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
"Công ty này bán cũng chẳng ai mua, chỉ là truyền thống của gia đình. Mong hội đồng xét xử giải tỏa kê biên, bị cáo không đưa công ty vào để khắc phục hậu quả", bà Trương Mỹ Lan nói trước toà.
Đối với 1,4 triệu cổ phần Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đang bị kê biên, bà Lan cho biết, bản thân không tham gia, không rõ về số cổ phần này.
Bị cáo Lan nói không biết mình chiếm bao nhiêu phần trăm tại TVSI và đề nghị hội đồng xét xử xem xét để phân định rõ ràng. Bị cáo nói: “Nếu phần nào thuộc về bà, sẽ giữ lại để khắc phục hậu quả, còn phần nào không phải của bà thì trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp”.
Theo hồ sơ vụ án, TVSI (có người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đã qua đời trước khi vụ án khởi tố vào ngày 7/10/2022), hoạt động trong các lĩnh vực như môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và lưu ký chứng khoán... Vốn điều lệ của TVSI từ năm 2018 đến 2020 là 1.089 tỷ đồng, tương đương với 108,9 triệu cổ phần.
Cơ quan chức năng xác định rằng thông qua 11 cá nhân và 1 công ty đứng tên hộ, bà Trương Mỹ Lan sở hữu một lượng lớn cổ phần tại TVSI, chiếm từ 88,23% đến 88,73% vốn điều lệ. Từ năm 2021 đến nay, TVSI tăng vốn điều lệ lên 2.639 tỷ đồng, và bà Lan tiếp tục sở hữu 91,54% cổ phần.