Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thực hiện thành công 3 ca ghép thận
Chỉ trong tháng 9/2024, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đức Giang (Hà Nội) đã thực hiện thành công 3 ca ghép thận đầu tiên; chính thức ghi tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam.
Thành công nối tiếp thành công
Ngày 8/9/2024, BVĐK Đức Giang đã chính thức ghi tên mình trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho một bệnh nhân nữ ở Tuyên Quang.
Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 3 ca ghép thận và làm chủ được kỹ thuật ghép thận được hướng dẫn đào tạo chuyển giao từ các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 103.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và BVĐK Đức Giang chúc mừng hai mẹ con bệnh nhân H |
BVĐK Đức Giang cũng đã thực hiện thành công 2 ca ghép thận đều từ người hiến sống và người hiến đều là mẹ của bệnh nhân. Đó là trường hợp của chị N.T.B.H. (26 tuổi, ở Tuyên Quang) được ghép thận thành công từ quả thận của người mẹ đẻ.
Chị H được phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối từ đầu năm 2022 và phải chạy thận 3 lần/tuần. Vì thế, chị mong muốn được ghép thận tại BVĐK Đức Giang và không phải đến bệnh viện lọc máu nữa.
Đáng lo ngại, ca ghép này khá khó khăn khi mẹ chị H đã lớn tuổi, thể trạng nhỏ hơn con gái nên nguy cơ chức năng thận ghép khó đạt như kỳ vọng.
Ngay sau ca ghép thận thành công đầu tiên, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã liên tục tiến hành 2 ca ghép thận tiếp theo và cũng thành công ngoài mong đợi; đưa tổng số ca ghép thận mà bệnh viện đã thực hiện lên 3 ca; dưới sự hướng dẫn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia Bệnh viện Quân y 103.
Ngay sau ca ghép thận thành công đầu tiên, cơ hội cũng đến với anh L.B.C (19 tuổi, ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa).
Tháng 4/2024, anh C nhập viện với biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, thường xuyên mẩn ngứa... và bất ngờ được phát hiện suy thận giai đoạn cuối, anh rơi vào lo lắng, mệt mỏi, hoảng loạn bởi vì không có sự bất hạnh nào hơn khi biết mình bị mắc căn bệnh không chữa khỏi được.
Cuộc sống sau này sẽ gắn liền với bệnh viện và chiếc máy lọc máu chu kỳ. Gia đình cũng đưa L.B.C đến một số bệnh viện trên cả nước để chữa bệnh với mong muốn sức khỏe của mình được cải thiện hơn. Tuy nhiên, anh vẫn phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần.
Khi đến Bệnh viện Đức Giang, các bác sĩ đã tư vấn cho anh về các phương pháp điều trị thay thế thận suy, trong đó ghép thận là phương pháp điều trị phù hợp và tốt nhất đối với anh tại thời điểm này.
Sau khi thực hiện xét nghiệm sàng lọc người hiến thận là các thành viên trong gia đình, các bác sĩ kết luận thận của mẹ đẻ C phù hợp để ghép cho con.
Ngày 11/9, vừa qua, ekip ghép thận của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiến hành phẫu thuật ghép thận cho cặp ghép của 2 mẹ con. Sau hơn 6 giờ phẫu thuật, ca ghép đã thành công ngoài mong đợi. Sau ghép, sức khỏe của cả L.B.C. và mẹ đẻ đều tiến triển tốt.
Hành trình xây dựng quy trình ghép thận
Để các ca ghép thành công, BVĐK Đức Giang đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, hậu cần và tiên lượng trước tất cả các khả năng có thể xảy ra. Ca ghép đã diễn ra thành công. Sức khỏe cả người cho và người nhận hoàn toàn ổn định và nhanh chóng hồi phục trở về với cuộc sống hàng ngày.
TS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện ĐK Đức Giang cho biết: Để có thể duy trì sự sống thì cứ cách một ngày bệnh nhân phải đến bệnh viện lọc máu một lần. Ngoài các chi phí BHYT thanh toán, người bệnh vẫn phải mất một khoản chi phí không nhỏ hàng năm.
Mặc dù được lọc máu thường xuyên, sức khỏe những người bệnh cũng chỉ có thể làm được những việc nhẹ nhàng, cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, còn việc tham gia lao động, công tác, học tập là rất khó.
Đối với những bệnh nhân này, sau khi được ghép thận, họ sẽ có cơ hội sống khỏe mạnh, sinh hoạt và làm việc bình thường.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội chúc mừng e kíp ghép thận của BVĐK Đức Giang |
Theo Giám đốc BVĐK Đức Giang Nguyễn Văn Thường, để thực hiện 3 ca ghép thận thành công này, các cán bộ, nhân viên Bệnh viện đã mất 2 năm chuẩn bị với 4 kỳ thẩm định khắt khe. Khi triển khai, Bệnh viện dù có nhiều lo lắng nhưng rất quyết tâm.
Chia sẻ về khó khăn và thuận lợi của lần đầu tiên thực hiện ghép thận tại Bệnh viện, TS Nguyễn Văn Thường cho biết: Bệnh viện có nhiều thuận lợi chính là sự hỗ trợ nhiệt tình về mặt chuyên môn của các thầy thuốc tại Bệnh viện Quân y 103; sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo Bệnh viện và sự chuẩn bị, đồng lòng trong 2 năm của ê-kíp triển khai ghép thận.
Sau gần 3 tuần thực hiện các ca ghép đầu tiên (các ngày 8, 11, 13/9), các bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt. Bệnh viện đã triển khai các ca ghép đều suôn sẻ, chưa phải triển khai cuộc hội chẩn nào để xử trí vấn đề phát sinh sau ghép.
Hàng năm có hàng trăm trường hợp bệnh nhân khám và điều trị tại BVĐK Đức Giang có tình trạng suy thận mạn tính.
Riêng khoa Nội thận- Tiết niệu quản lý và điều trị lọc máu cho gần 180 bệnh nhân, trong đó chiếm 25-30% là bệnh nhân dưới 50 tuổi trong độ tuổi lao động. Số lượng bệnh nhân lọc máu chu kì tăng hàng năm và phải chuyển tuyến 50 – 60 ca do số máy lọc máu có hạn.
Việc chạy thận nhân tạo khiến người bệnh và người nhà người bệnh mệt mỏi, đi lại nhiều lần và chi phí tốn kém. Vì vậy, việc duy trì, phát triển và làm chủ kỹ thuật ghép thận tại BVĐK Đức Giang sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương.
Để có được thành công như trên, Bệnh viện đã tổ chức 29 cuộc họp liên quan đến triển khai lấy, ghép thận; cử cán bộ đi đào tạo tại Bệnh viện Quân y 103; sửa chữa cơ sở hạ tầng liên quan đến lấy, ghép thận tại các khoa; mua bổ sung dụng cụ, vật tư, trang thiết bị, hoá chất, thuốc phục vụ lấy, ghép thận; cây dựng đề án lấy, ghép thận…
TS Nguyễn Đình Hưng. Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội đánh giá cao những thành tựu trong công tác ghép thận của BVĐK Đức Giang; đồng thời, đề nghị BVĐK Đức Giang tiếp tục duy trì thành công kỹ thuật này.