Giáo viên ngoài công lập bỏ việc, các trường học gặp khó
Đến tháng 2/2022, các trường mầm non tư thục đã phải đóng cửa trên 8 tháng và còn có thể kéo dài đến hết năm học do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong bối cảnh khó khăn, nhiều giáo viên đã nghỉ việc, tạo nên “khoảng trống” nhân lực trong các trường.
Giáo viên ngoài công lập “nhảy” việc
Tốt nghiệp ngành Giáo dục mầm non – Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, cô giáo Phương Hà đã có gần 1 năm công tác tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn thành phố Vinh. Công việc vất vả, thu nhập chưa đến 5 triệu đồng/tháng, lại phải gánh chi phí thuê nhà, tiền sinh hoạt khiến cuộc sống của chị khá chật vật.
Riêng từ tháng 5 năm ngoái, do dịch bệnh kéo dài, bậc mầm non phải nghỉ học liên tục trong nhiều tháng khiến chị cũng như nhiều đồng nghiệp khác rơi vào khó khăn. Trong hoàn cảnh trên, chị chuyển hướng đi học nghề nối mi và từ đó đến nay sống bằng nghề tay trái này. Công việc mới dù so với chuyên môn mà chị học khác “một trời, một vực”, lại không có tổ chức, không có đoàn thể, nhưng bù lại chị có thu nhập khá.
Đến thời điểm này, bậc mầm non ở thành phố Vinh đã nghỉ học 8 tháng và nhiều trường mầm non ngoài công lập rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: MH
Hiện tại, dù chưa có cửa hàng nhưng mỗi ngày thông qua các mối quan hệ và thông qua kênh giới thiệu trên trang cá nhân, chị có 5 - 10 khách hàng “đặt lịch” đến nối mi tại gia đình. Nếu thuận lợi, mỗi tháng chị cũng có thể kiếm trên chục triệu đồng. “Vì yêu nghề dạy trẻ nên em đã chọn làm cô giáo mầm non, nhưng thực tế thời điểm này công việc này quá bấp bênh, thu nhập thấp và không biết đến khi nào các trường học mới có thể mở cửa trở lại. Trước mắt, em gắn bó với công việc tay trái này, để quay lại nghề dạy học thì có lẽ còn phải cân nhắc, tùy theo tình hình thực tế”, chị Hà chia sẻ.
Tốt nghiệp gần 8 năm và công tác tại nhiều đơn vị, cả bậc mầm non và tiểu học. nhưng đến đầu năm nay, chị Hoàng Thị Bình – nhân viên truyền thông cũng đã quyết định xin nghỉ việc và chuyển hẳn sang nghề bán hàng online. Trước đó, dù đã có kinh nghiệm và cũng đã có mối quan hệ khá tốt trong công việc nhưng sau nhiều năm gắn bó với các ngôi trường ngoài công lập, chị Bình buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn này, bởi thu nhập của nhân viên, giáo viên quá bấp bênh “phụ thuộc vào học phí và việc thu hút trẻ”.
Giáo viên Trường mầm non Tuổi thơ thành phố Vinh hướng dẫn học sinh sử dụng khẩu trang an toàn. Ảnh: PV
Trong khi đó, từ khoảng 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động của các trường tư thục đặc biệt khó khăn. Nhiều tháng liên tục các trường đóng cửa, không đón học sinh và đồng nghĩa với việc không có nguồn thu để trả lương cho giáo viên. Từ thực tế này, dù yêu nghề, mến trẻ, dù muốn gắn bó lâu dài với công việc nhưng nhiều giáo viên buộc phải chuyển nghề và chuyển sang một công việc mới để trang trải cuộc sống.
Chật vật “giữ chân” giáo viên
Hơn 1 năm chống chọi với dịch bệnh, hoạt động của các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung phần lớn ở thành phố Vinh rơi vào cảnh khó khăn do phải đóng cửa trong nhiều tháng. Cùng với việc đối phó với dịch bệnh, chờ mong trường học đóng cửa trở lại thì nhiều nhà trường cũng đứng trước nguy cơ thiếu nhân lực vì nhiều giáo viên xin nghỉ việc, chuyển nghề.
Tại Trường Mầm non Rainbow (thành phố Vinh), đến thời điểm này, theo tổng hợp của thì trong số 30 giáo viên đã có 3 giáo viên xin nghỉ việc và con số có thể sẽ tiếp tục tăng nếu từ nay đến cuối năm học trường không tổ chức được việc dạy học.
Các trường học vắng bóng học sinh. Ảnh: MH
Cô giáo Hoàng Thị Trang – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ trước Tết, chúng tôi mong ngóng được đi học trở lại nhưng dịch bệnh bùng phát khiến cho mọi kế hoạch bị thay đổi. Trong suốt 8 tháng đóng cửa, không chỉ giáo viên mà ban lãnh đạo nhà trường cũng không được chi trả lương nên cuộc sống của tất cả mọi người đều rất khó khăn và không ít giáo viên phải làm thêm nghề tay trái, thậm chí là chuyển nghề.
Điều này cũng khiến cho nhà trường vất vả trong việc bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên cho thời gian tới, bởi đây không phải là thời điểm dễ dàng tuyển dụng giáo viên và để đào tạo lại đội ngũ cũng phải mất một thời gian. Chúng tôi cũng rất tiếc bởi 3 giáo viên chuyển nghề đều là giáo viên có kinh nghiệm và đã gắn bó với nhà trường từ những ngày đầu mới thành lập”.
Chưa có một số liệu thống kê đầy đủ, nhưng tình trạng nhiều giáo viên trường ngoài công lập bỏ nghề sau một thời gian dài mòn mỏi vì thất nghiệp là thực trạng đang diễn ra tại nhiều nhà trường. Ngay tại Trường Mầm non Arita, một trong những trường khá quan tâm đến đời sống giáo viên thì cũng đã có 2 giáo viên chính thức nghỉ việc, trong đó, có 1 giáo viên chuyển sang đi du học theo hình thức vừa học, vừa làm tại Hàn Quốc. Trước tình trạng lao động có nguy cơ bỏ việc ngày càng nhiều, chủ đầu tư đã nỗ lực “giữ chân” giáo viên bằng các hình thức như trường vẫn cố gắng duy trì hỗ trợ 30% lương cơ bản mỗi tháng cho giáo viên; thực hiện đóng BHXH đầy đủ.
Cô giáo Đặng Thị Như Huyền - Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: “Mặc dù nhà trường có đẩy đủ chính sách để hỗ trợ giáo viên và đồng hành cùng với giáo viên trong giai đoạn khó khăn này, nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh riêng nên không phải giáo viên nào cũng có thể gắn bó với nghề lâu dài. Chúng tôi cũng rất đồng cảm với giáo viên và trước mắt vẫn động viên giáo viên cố gắng để vượt qua thời điểm này. Hiện tại, trong khi chờ mở cửa trở lại, hầu hết giáo viên đều có thêm nghề phụ, phổ biến là bán hàng online, bán bảo hiểm hoặc hỗ trợ công việc cùng chồng và gia đình”.
Giáo viên Trường mầm non Rain Bow đang chuẩn bị các điều kiện để chờ ngày đón trẻ trở lại trường. Ảnh: MH
Từ sau đợt dịch lần thứ 4, thành phố Vinh là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất khi đến thời điểm này có 40 trường mầm non ngoài công lập và hơn 120 cơ sở mầm non tư thục đến nay vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Điều này không chỉ tác động trực tiếp đến các chủ đầu tư, đội ngũ hàng nghìn giáo viên, nhân viên lao động và về lâu dài còn ảnh hưởng đến việc chăm lo giáo dục trẻ một khi các trường mở cửa trở lại.
Hiện nay, hầu hết các trường đều rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn và số trường sau dịch vẫn có thể quan tâm, chăm lo đến đời sống giáo viên chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong bối cảnh đó, do không có lương, không được đóng bảo hiểm thì việc ràng buộc giữa chủ đầu tư và người lao động là hết sức hạn hữu. Nhiều lao động, nếu có cơ hội sẵn sàng nhảy việc hoặc chuyển sang một công việc khác ổn định hoặc có thu nhập tốt hơn để mưu sinh và ổn định cuộc sống.
Ông Lê Trường Sơn – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh
Trước thực tế này, dù chưa ấn định thời gian mở cửa trở lại các trường mầm non nhưng việc thiếu giáo viên là điều đã được ngành Giáo dục tính tới. Để hạn chế tình trạng này, ông Lê Trường Sơn nói thêm: “Chúng tôi đã nắm bắt được tình hình và có kế hoạch để đảm bảo cho học sinh đến trường an toàn. Theo đó, trước khi học sinh đi học trở lại, chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà trường nắm bắt nhu cầu thực tế của phụ huynh và xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí đủ giáo viên đứng lớp. Nếu tình huống, các trường thiếu giáo viên, các lớp thiếu học sinh chúng tôi sẽ yêu cầu các trường dồn lớp để bố trí đủ giáo viên theo quy định.
Ngoài ra, có thể điều chỉnh học sinh sang trường khác để đảm bảo an toàn. Về lâu dài, các trường cũng cần phải tính tới việc tuyển dụng bổ sung giáo viên và có những chính sách hỗ trợ để ổn định đội ngũ và không xáo trộn việc tổ chức dạy và học”.