Du lịch nông nghiệp nâng tầm giá trị nông sản bản địa
Nhìn từ thế giới và thực tế tại một số địa phương cho thấy, đầu tư cho du lịch nông nghiệp với mô hình HTX làm chủ đạo sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản bản địa.
Nhờ du lịch nông nghiệp với sự dẫn dắt của HTX du lịch nông nghiệp Việt Nam-Khe Sanh (Quảng Trị), Khe Sanh chỉ từng được biết đến nhờ lịch sử chiến tranh nay đã trở thành vùng cà phê đặc sản chất lượng cao nổi tiếng.
Đầu tư càng nhiều, giá trị càng tăng
Trên thế giới, nhiều nước hiện cũng đã nâng cao được giá trị nông sản nhờ phát triển du lịch nông nghiệp. Tiêu biểu như tour tham quan trang trại cà phê Chiangmai (Thái Lan) có giá 54,55 USD, tương đương 1,4 triệu đồng/người/6 giờ. Tour du lịch trải nghiệm làm nông dân ở Hang Tueng Farmstay And Workshop Chiang Mai (Thái Lan) cũng có mức giá 54,55 USD/người/3 giờ.
Có thể thấy, du lịch nông nghiệp là con đường hiệu quả để nâng giá trị nông sản địa phương. Và gắn nông nghiệp với du lịch trải nghiệm “sâu” với nông thôn, nông nghiệp là điều tất yếu.
Tại Việt Nam, sản phẩm nông - lâm - thủy sản chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Ngành nông nghiệp xuất siêu năm 2023 đạt 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu của cả nước.
HTX Khe Sanh thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. |
Rõ ràng, nông nghiệp đang góp phần nâng cao nền tảng kinh tế Việt Nam. Nếu đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch nông nghiệp thì không chỉ nông sản được nâng cao giá trị mà còn nâng cao nền tảng kinh tế Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, trước đây khi chưa đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với nông thôn, nông dân, thành viên HTX phần lớn chỉ trồng nông sản và bán thô. Lúc này, giá bán hàng hóa chỉ tính bằng giá nông sản cộng với công trồng.
Nhưng khi phát triển du lịch nông nghiệp, HTX không chỉ trồng, mà đã biết sơ chế để bán nông sản sơ chế. Lúc này, giá hàng hóa sẽ cao hơn so với bán sản phẩm thô nhưng chỉ nhỉnh hơn một chút vì giá hàng hóa được tính bằng giá trị nông sản cộng với công trồng và công sơ chế.
Hiện nay, nhờ phát triển du lịch nông nghiệp theo chiều sâu, nhiều HTX đã biết trồng, sơ chế, tinh chế từ đó bán sản phẩm tinh chế. Lúc này, giá hàng hóa cao hơn khi không chỉ tính bằng giá trị hàng hóa, công trồng, công sơ chế, chế biến mà còn tính cả công làm bao bì, quảng cáo.
Đặc biệt, khi HTX không dừng ở trồng, chế biến, tinh chế nông sản mà còn kết hợp với làm các tour du lịch thì chắc chắn giá trị thu về còn cao hơn nhiều lần vì có kèm cả giá của câu chuyện sản phẩm, xây dựng thương hiệu và phát triển các tour.
“Khi nghe câu chuyện sản phẩm, được trực tiếp tham gia các công đoạn tạo ra sản phẩm, khách hàng sẵn sàng mua với giá cao vì khi đó, họ hiểu được giá trị của nông sản”, ông Phạm Thanh Tùng, Viện phó Viện Kinh tế và Du lịch Nông nghiệp phân tích.
Chú trọng phát triển sản phẩm đặc trưng
Chị Nguyễn Thị Anh Nữ, Phó Giám đốc HTX dược liệu - du lịch Ngọc Linh H80 (Kon Tum) cho rằng phát triển du lịch nông nghiệp sẽ nâng cao giá trị nông sản bản địa, thu nhập cho người dân. Nhưng làm sao để phát triển mô hình này một cách hiệu quả, chuyên nghiệp là vấn đề vẫn còn băn khoăn của nhiều thành viên.
Hiện nay, nhiều HTX ở những địa phương khác nhau đã có nền tảng cơ bản từ những sản phẩm nông sản đặc trưng như ở Kon Tum có sâm Ngọc Linh, Lào Cai cũng có sâm Ngọc Linh, Khe Sanh có cà phê Liberia… Nhưng để nâng cao được vị thế của những nông sản này, mô hình du lịch nông nghiệp tại điểm trồng cần tạo ra mô hình quản trị, điều hành tour du lịch nông nghiệp tại địa phương một cách phù hợp.
Ông Phạm Thanh Tùng đánh giá, chủ trương của Nhà nước hiện nay đang khuyến khích phát triển mô hình HTX vì mô hình này phù hợp với vùng nông thôn và đề cao được tính liên kết của tập thể.
Thực tế từ HTX du lịch nông nghiệp Việt Nam-Khe Sanh, HTX Du lịch nông nghiệp Cao nguyên M'nông – Đắk Nông… cho thấy những HTX này đã làm rất tốt trong việc phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số, tạo ra các trải nghiệm ấn tượng cho du khách, giúp người dân giảm nghèo.
Đặc biệt, xuyên suốt trong quá trình phát triển du lịch nông nghiệp, các HTX luôn áp dụng chiến lược phát triển vùng trồng bền vững: Quy trình trồng, phân bón hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu, liên kết chặt chẽ giữa các nhà nên thuận lợi trong nâng cao giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, để thu được "trái ngọt", điều cần được quan tâm là các HTX làm trong lĩnh vực này cần thiết kế tour du lịch nông nghiệp trải nghiệm gắn với văn hóa bản địa. Đồng thời, HTX phải tổ chức các tour du lịch nông nghiệp bằng cách liên kết với các công ty lữ hành ở địa phương và trên toàn quốc.
Có một thực tế hiện nay là cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn chưa phát triển, chưa đáp ứng được sự phát triển của du lịch nông nghiệp. Chính vì vậy, muốn các HTX phát triển được các tour du lịch nông nghiệp cần có sự tham gia của chính quyền địa phương trong đầu tư kết cấu hạ tầng, quảng bá, xúc tiến kết nối về du lịch bằng những chính sách cụ thể.
PGS.TS Trần Văn Ơn (Trường Đại học Dược Hà Nội) cho rằng, để du lịch nông nghiệp phát triển, HTX có thể không cần quá nhiều mà tập trung làm ra một sản phẩm tốt nhất nhưng phải có cách đưa nó có chỗ đứng nhất định trên thị trường bằng cách xây dựng thương hiệu, đầu tư bao bì, câu chuyện… mới thu hút được khách đến trải nghiệm mua hàng.
Huyền Trang