Giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp và Hội đồng Tư vấn khoa học, Giáo dục và Môi trường (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đã vừa phối hợp tổ chức diễn đàn “Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam” và “Trao chứng nhận dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam 2020”.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: Nhằm khuyến khích doanh nghiệp năng lượng tái tạo (NLTT) trong nước phát triển, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nhấn mạnh: Ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch, nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng... Có thể nói, chủ trương định hướng phát triển NLTT của Việt Nam là đúng đắn, được Bộ Chính trị ủng hộ, khuyến khích, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, doanh nghiệp tích cực vào cuộc và lộ trình phát triển đã có những khởi đầu đáng khích lệ.
Đưa ra dẫn chứng cụ thể, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ, với cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn NLTT của Chính phủ, nhiều nhà đầu tư đã tích cực tham gia nghiên cứu và đề xuất đầu tư các dự án nguồn điện NLTT. Tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000 MW, trong đó, điện mặt trời khoảng 11.200 MW; điện gió khoảng 11.800 MW.
Diễn đàn “Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam”
Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, theo Nghị quyết số 55, mục tiêu phát triển NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030 và 25 - 30% vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, phát điện từ chất thải rắn và điện mặt trời.
Về hiện trạng phát triển NLTT, đại diện Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 9/2020 tổng công suất lắp đặt điện gió đạt 485 MW, điện mặt trời đạt 5.829 MW, điện sinh khối đạt 169 MW chiếm khoảng 11,2% tổng công suất lắp đặt toàn quốc. Về sản lượng, tính đến hết tháng 9/2020, điện sản xuất từ điện gió đạt 630 triệu kWh, điện mặt trời đạt 7.274 triệu kWh, điện sinh khối đạt 303 triệu kWh chiếm khoảng 4,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn quốc. Riêng đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 14/10/2020 đã có trên 57.000 hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.747 MWp.
Ông Quân chia sẻ, trong thời gian tới, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực NLTT, để có thể phát triển NLTT mạnh mẽ, bền vững, cần tập trung vào các nội dung chính là: chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.
Ông Vũ Tiến Lộc nhận định, quá trình phát triển của NLTT thời gian qua cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, công nghệ, nguồn nhân lực/việc làm và nguồn tài chính. Đến thời điểm này vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến nhiều dự án chậm triển khai, thậm chí mất phương hướng và có nguy cơ hủy bỏ. Việc quản lý, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương về thực thi chính sách trong một số trường hợp chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ. Công tác nghiên cứu quy hoạch và dự báo cung cầu còn yếu; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện triển khai còn nhiều vướng mắc. Trước thực trạng này, việc triển khai ngay một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển NLTT là vô cùng cấp bách đòi hỏi sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại diễn đàn, đại diện các bộ, ban, ngành, chuyên gia và nhà đầu tư đã chia sẻ nội dung liên quan tới chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng; chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng bền vững; xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực hoạch định chính sách phục vụ phát triển bền vững ngành NLTT Việt Nam… góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55.
Cũng tại diễn đàn, Ban Tổ chức đã trao chứng nhận dự án NLTT tiêu biểu Việt Nam 2020 cho 11 dự án NLTT tiêu biểu đã đi vào hoạt động. Những dự án được vinh danh không chỉ hướng đến lợi ích cộng đồng cũng như hiệu quả kinh tế có thể mang lại mà còn vượt qua các tiêu chí chọn lọc khắt khe về môi trường, thiết kế, kỹ thuật… Đây cũng là sự ghi nhận đối với những đóng góp của các án này với cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đất nước.
Đình Tú