GRDP của Nam Định năm 2024 đứng thứ 9/63 cả nước
GRDP của Nam Định năm 2024 tăng trưởng 2 con số. Trong kết quả này, sản xuất công nghiệp đóng vai trò chủ lực cùng sự góp sức của xuất khẩu.
Sản xuất công nghiệp giữ vai trò động lực
Thông tin tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định năm 2024, diễn ra sáng 3/1, ông Lê Mạnh Hồng - Cục trưởng Cục Thống kê Nam Định - cho hay, kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024 tăng trưởng 10,01% so với năm 2023, trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 61.222 tỷ đồng - mức tăng cao so với cả nước (đứng thứ 9/63 địa phương). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,83%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,27%, đóng góp 5,98 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 8,56%, đóng góp 3,11 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 12,34%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm.
Cục Thống kê tỉnh Nam Định tổ chức họp báo công bố thông tin kinh tế - xã hội năm 2024. Ảnh: Đình Dũng |
Quy mô kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 113.329 tỷ đồng, tăng 14,78% so với năm 2023.
Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt 33.223 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2023. Trong đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 14.218 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng thu và tăng 36,0% so với năm trước; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 9.837 tỷ đồng, chiếm 29,6% và bằng 91,4%; thu chuyển nguồn 9.168 tỷ đồng, chiếm 27,6% và tăng 17,0%.
Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng 9,6%; tổng dư nợ tín dụng tăng 15,5% so với năm trước. Các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm, kịp thời các chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.
Đóng góp lớn từ khu vực sản xuất công nghiệp
Ông Lê Mạnh Hồng cũng cho hay, kết quả khả quan về tăng trưởng của Nam Định năm có sự đóng góp lớn từ khu vực công nghiệp.
Nhà máy tại Nam Định của Tập đoàn Quanta xuất xưởng lô máy tính đầu tiên. Ảnh minh họa |
Số liệu cũng cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 của tỉnh ước tăng 14,56% so với năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,65%, đóng góp 14,25 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,88%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 23,30%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 34,77%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm.
Sản phẩm công nghiệp ở một số ngành chủ lực tăng cao so với năm trước: Cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 24,80%; quần áo may sẵn tăng 18,68%; bàn ghế bằng gỗ các loại tăng 18,63%; giày, dép tăng 17,63%; gạo xay xát tăng 13,97%; vải các loại tăng 13,20%; thuốc dạng viên các loại tăng 12,91%; gỗ cưa hoặc xẻ tăng 7,04%. Ngược lại, một số sản phẩm có khối lượng giảm như: Muối biển giảm 30,04%; bia hơi giảm 9,65%; sợi các loại giảm 6,65%; đồ chơi giảm 6,34%.
“Những nỗ lực của tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng, xúc tiến, thu hút đầu tư, nhất là các ngành công nghiệp công nghệ cao, giá trị tăng thêm lớn là tiền đề tăng trưởng ngành công nghiệp”, lãnh đạo Cục Thống kê Nam Định cho hay.
Cùng với sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu của Nam Định năm vừa qua cũng có nhiều dấu ấn. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 4.775 triệu USD, tăng 21,4% so với năm 2023; trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng 18,9%, nhập khẩu hàng hóa tăng 25,8%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 1.225 triệu USD.
Thông tin tại buổi họp báo, ông Lê Mạnh Hồng cũng cho biết thêm, về chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2025 đã được HĐND tỉnh thông qua. Trong đó, GRDP tăng từ 10,5% trở lên. Cơ cấu kinh tế, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản dưới 15%, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 85%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 15% trở lên; giá trị xuất khẩu đạt từ 4.000 triệu USD trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 18% trở lên; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 15.500 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu này, theo lãnh đạo Cục Thống kê Nam Định, HĐND tỉnh cũng đặt ra nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đặc biệt là cải cách hành chính. Đây là giải pháp tổng thể.
Cùng đó, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn tín dụng. Nhanh chóng hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất đai và thủ tục đầu tư. Tiếp tục phát triển ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại giá trị gia tăng cao và phát triển xanh, bền vững có khả năng đóng góp lớn trong nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Tập trung công tác giải phóng mặt bằng và huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, xúc tiến thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh, trong đó tập trung thu hút đầu tư thứ cấp vào khu, cụm công nghiệp. Đây là vấn đề rất phức tạp, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm.
Đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng quy mô, hiệu quả cao hơn. Tập trung sản xuất các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao phục vụ chế biến xuất khẩu. Tiếp tục hoàn thành mục tiêu xây dựng thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Năm 2024, GRDP của Nam Định tăng 10,01%, sản xuất công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong kết quả này khi các lĩnh vực sản xuất nghiêng về các ngành công nghiệp công nghệ cao. |