Liên minh quân sự Nga - Trung: Để ngỏ thời điểm hợp tác
Lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Nga - Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra đề xuất về việc thành lập liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc. Trước động thái này, Bắc Kinh đã bày tỏ sự hoan nghênh trong thận trọng. Song cả hai bên đều để ngỏ về một liên minh trong tương lai, đặt ra thách thức không nhỏ cho chiến lược tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Những chỉ dấu đáng chú ý
Phát biểu tại Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai - diễn đàn về các vấn đề quốc tế của Nga, khi được hỏi về khả năng liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc, Tổng thống Putin đã cho rằng: “Chúng tôi luôn tin rằng mối quan hệ giữa hai nước đã đạt đến mức độ hợp tác và tin tưởng. Do đó, việc hình thành liên minh như vậy là không cần thiết. Nhưng chắc chắn là có thể hình dung ra được, trên lý thuyết”. Quân đội hai nước đã hợp tác chặt chẽ với nhau và thời gian sẽ cho biết mọi việc sẽ tiến triển như thế nào.
Một số nhà quan sát cho rằng, mặc dù ý tưởng này rất khó xảy ra, nhưng ngay cả việc đề cập về nó thôi cũng đã được xem là một dấu hiệu thiện chí trong mối quan hệ Trung - Nga. Đặc biệt, trong bối cảnh quan hệ song phương ngày càng trở nên tồi tệ hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Binh lính Nga và Trung Quốc trong một cuộc tập trận chung năm 2019. Ảnh: AP
Những gợi mở về liên minh quân sự này còn là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự đoàn kết giữa Nga và Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc đua bầu cử Mỹ đang bước vào tuần cuối cùng. Trong các lần vận động tranh cử, dễ dàng nhận thấy, chính sách đối với Nga và Trung Quốc của hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden luôn nhận được sự quan tâm của cử tri, nhất là việc ai sẽ xử lý tốt nhất thách thức do Trung Quốc đặt ra.
“Cả Trung Quốc và Nga đều là mục tiêu bị chỉ trích trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Do đó, Putin đang cố gắng chứng tỏ mối quan hệ bền chặt mức nào giữa Nga và Trung Quốc”.
Li Lifan, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải
Hơn thế, việc thể hiện tình đoàn kết cũng nhằm gửi đi thông điệp về Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) - hiệp ước cuối cùng nhằm hạn chế các kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga, mà Washington đang cố gắng gây sức ép buộc Trung Quốc tham gia.
Tuy nhiên, cơ hội về một liên minh quân sự Nga - Trung vẫn còn rất xa vời, bởi điều này sẽ buộc hai bên phải bảo vệ lẫn nhau, nếu bị tấn công. Đáng chú ý, Trung Quốc là một phần của Phong trào Không liên kết - một tổ chức gồm 120 quốc gia đang phát triển trên thế giới, không chính thức liên kết với bất kỳ khối cường quốc lớn nào. Đây chính là điều mà Trung Quốc đã xem là yếu tố cốt lõi trong chính sách đối ngoại độc lập của mình trong nhiều thập kỷ. Đối với Trung Quốc, mối quan hệ gần gũi và hợp tác với Nga dựa trên lợi ích quản trị toàn cầu, nơi Bắc Kinh và Moskva có nhiều điểm tương đồng.
Mối quan hệ Nga và Trung Quốc đã được tăng tốc dưới thời của Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Mối quan hệ Nga - Trung được hâm nóng và tăng tốc dưới thời Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. Trên thực tế, Nga và Trung Quốc đã đánh giá cao mối quan hệ hợp tác chiến lược song phương, nhưng đến nay chưa có bất kỳ đàm phán nào về khả năng lập một liên minh quân sự.
Còn nhớ tháng 12/2019, Tổng thống Nga Putin khẳng định, không có kế hoạch về liên minh quân sự với Trung Quốc. Do đó, khi nhà lãnh đạo Nga để ngỏ khả năng thành lập liên minh trong tương lai, không ít ý kiến tỏ ra thận trọng, thậm chí cho rằng những phát ngôn mới nhất có thể là nỗ lực khiến Washington và Bắc Kinh đối đầu nhau.
“Căng thẳng Mỹ - Trung đang ở tình trạng tồi tệ đến mức có thể xảy ra xung đột quân sự. Cơ hội mà Nga muốn trở thành đồng minh của Trung Quốc là rất thấp. Đó chủ yếu là một dấu hiệu cho thấy khát vọng của Nga trở thành một bên trung lập quan trọng nhằm buộc Mỹ và Trung Quốc đưa ra nhượng bộ”.
Shi Yinhong, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc
Không loại trừ khả năng
Trong bối cảnh xuất hiện nhiều thay đổi lớn trên bình diện toàn cầu với xu hướng bất ổn gia tăng, liệu Moskva và Bắc Kinh có thể chuyển mình thành công thành một liên minh quân sự toàn diện hay không. Như lời nhà lãnh đạo Nga Putin đã nói, mặc dù trước mắt hai nước vẫn chưa đặt ra mục tiêu đó, song “không loại trừ” trong tương lai. Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong phản ứng chính thức đã nhấn mạnh đến mối quan hệ cấp cao và đặc biệt giữa Bắc Kinh và Moskva, “không có giới hạn nào với mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, và không có giới hạn nào trong việc mở rộng quan hệ hợp tác”.
Lực lượng quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận tại Nga. Ảnh: AsiaTimes
Một trong những bằng chứng rõ ràng là từ năm 2018 đến nay, Nga và Trung Quốc đã gia tăng đáng kể tần suất số lượng và quy mô các cuộc tập trận quân sự chung với ít nhất 2 đợt mỗi năm. Gần đây nhất, hồi tháng 9, hai bên đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật đa quân chủng Caucasus 2020 ở khu vực Bắc Biển Đen. Cùng thời điểm tháng 9 vào năm ngoái, Nga và Trung Quốc đã tổ chức một diễn tập quân sự lớn mang tên Center-2019 ở miền Tây nước Nga. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã điều động một số lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực, máy bay ném bom chiến lược, máy bay ném bom chiến đấu… Về phía Nga, cuộc tập trận có sự tham gia của 128.000 quân nhân, cùng 15 tàu chiến, 600 máy bay, 250 xe tăng, 200 hệ thống pháo và nhiều hệ thống tên lửa phóng.
Một sự kiện đáng chú ý nhất là việc Nga chính thức bàn giao hệ thống radar cảnh báo tên lửa sớm (SPRN) trị giá 60 triệu USD cho Trung Quốc. Nói một cách dễ hiểu, Nga đã cung cấp cho Trung Quốc bí quyết độc quyền để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ, cũng như phát triển “khả năng tấn công lần hai” - điều cốt yếu để duy trì sự cân bằng chiến lược.
Những bước dạo đầu cho sự hợp tác sâu rộng hơn của Nga và Trung Quốc cho thấy Moskva đang tạo ra một liên minh quân sự với Bắc Kinh và tăng cường khả năng đối phó, nếu Mỹ quyết định tấn công một trong hai nước. Chuyên gia quân sự người Nga Vladimir Frolov nhận định, khi hai bên tích hợp thành công hệ thống cảnh báo tấn công bằng tên lửa, Nga và Trung Quốc sẽ có khả năng phát hiện, tiêu diệt các loại tên lửa Mỹ trải dài từ Nam Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Nga và Trung Quốc lâu nay không thể kiểm soát triệt để Ấn Độ Dương do ở đây có sự tham gia của nhiều nước với tiềm lực quân sự lớn như Iran, Ấn Độ. Việc liên kết mạng lưới phòng thủ sẽ giải quyết được khuyết điểm này.
Năm 2015, Nga đã bán 6 hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và 24 máy bay chiến đấu cho Trung Quốc trị giá 5 tỷ USD. Ảnh: Military Watch
Quan hệ đối tác chiến lược mở rộng đã mang lại lợi ích toàn diện cho cả Nga và Trung Quốc, và đã trở thành tài sản chiến lược chung, đồng thời củng cố vị thế của họ trên trường quốc tế. Liên minh Nga - Trung không có ý định khơi mào đối đầu quân sự với Mỹ. Nhưng việc sử dụng nó sẽ nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công của Mỹ vào một trong hai hoặc cả hai, và nhất là phản ứng lại sự hiện diện ngày càng gia tăng của Washington ở khu vực chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, rạn nứt xuyên Đại Tây Dương ngày càng sâu sắc, và nó sẽ không thể hàn gắn ngay kể cả khi Nhà Trắng có người lãnh đạo mới. Nhiều quốc gia châu Âu cũng không cùng chung quan điểm với Mỹ về gây thù địch với Nga và Trung Quốc. Cuối cùng, thời gian sẽ có lợi cho liên minh Nga-Trung, khi Mỹ ngày càng suy giảm quyền lực và sức ảnh hưởng toàn cầu, cũng như thế giới đã quen với “thế kỷ hậu Mỹ”.