Ngoại trưởng Mỹ-Trung gặp mặt trực tiếp tại Bali, muốn quan hệ "đi đúng hướng"
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau ngày 9/7 để tham dự các cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên tính từ tháng 10 năm ngoái, sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, nơi nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ dẫn đầu những nỗ lực nhằm gây sức ép đối với Nga liên quan đến xung đột Ukraine.
Các quan chức Mỹ nói rằng, cuộc gặp giữa ông Blinken và ông Vương Nghị tại Bali, Indonesia bao gồm các cuộc trao đổi trong phiên sáng rồi vừa dùng bữa trưa vừa bàn việc, nhằm giữ cho mối quan hệ khó khăn của Mỹ với Trung Quốc ổn định và ngăn khả năng vô tình chệch hướng chuyển thành xung đột.
Vào đầu cuộc gặp, Ngoại trưởng Blinken phát biểu trước báo chí: “Không gì có thể thay thế được hoạt động ngoại giao trực tiếp, và trong mối quan hệ phức tạp, mang lại nhiều hệ quả như quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, có rất nhiều thứ cần bàn bạc. Chúng tôi rất trông đợi có cuộc trò chuyện hiệu quả và mang tính xây dựng”.
Dự kiến, ông Blinken sẽ nhắc lại các cảnh báo với Trung Quốc chớ nên ủng hộ cuộc chiến tại Ukraine và 2 bên sẽ giải quyết những vấn đề gây tranh cãi bao gồm Đài Loan, các tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, việc mở rộng tầm ảnh hưởng tại Thái Bình Dương, nhân quyền và thuế quan thương mại.
Tuy nhiên, cả 2 bên đều có chung lợi ích trong việc duy trì mối quan hệ ổn định và ông Blinken cùng các quan chức Mỹ nói rằng Tổng thống Joe Biden cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ lại trao đổi với nhau trong vài tuần tới. Đây cũng là nội dung mà cuộc gặp ngày 9/7 có thể sẽ đề cập.
Ông Vương Nghị nói với phóng viên: “Trung Quốc và Mỹ là 2 nước lớn, vì thế việc 2 nước duy trì các trao đổi bình thường là cần thiết. Đồng thời, chúng tôi thực sự cần trao đổi cùng nhau để bảo đảm mối quan hệ này tiếp tục tiến triển theo đúng hướng”.
Daniel Russel, cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ phụ trách khu vực Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, người có liên hệ chặt chẽ với các quan chức trong chính quyền Biden, cho biết ông tin rằng mục tiêu chính của cuộc gặp 9/7 là tìm hiểu khả năng tổ chức hội nghị trực tiếp đầu tiên giữa ông Biden và ông Tập trên cương vị nguyên thủ - có khả năng là bên lề thượng đỉnh G20 tại Bali vào tháng 11 tới.
Mỹ gọi Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính, quan chức ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á Daniel Kritenbrink hôm 5/7 nói rằng, ông kỳ vọng có cuộc trao đổi “thẳng thắn” với ông Vương Nghị và khẳng định đó sẽ là thêm một cơ hội “để chuyển tải những mong đợi của chúng tôi về điều mà chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ làm và không làm trong bối cảnh tình hình Ukraine”.
Dẫu đối đầu chiến lược, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là đối tác thương mại lớn của nhau, và ông Biden đang xem xét dỡ bỏ thuế quan đánh vào một loạt hàng hoá Trung Quốc, nhằm kiềm chế lạm phát đang gia tăng tại Mỹ trước thềm các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.