Sửa Hiến pháp năm 2013: Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên cơ chế chất vấn
Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên quyền chất vấn của Hội đồng nhân dân với Viện trưởng, Chánh án, coi đây là công cụ giám sát thiết yếu, minh bạch.
Quyền chất vấn là biểu hiện cao nhất của giám sát dân cử
Tại phiên thảo luận ngày 14/5 thuộc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã có những phát biểu thẳng thắn, đi vào trọng tâm liên quan đến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Trong đó có nhiều ý kiến xoay quanh quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, một trong những công cụ giám sát quyền lực quan trọng nhất tại địa phương hiện nay.
Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) bày tỏ quan điểm rõ ràng: Cần tiếp tục giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Theo đại biểu, đây là một cơ chế giám sát đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013, có tính thực tiễn và phù hợp với yêu cầu minh bạch, giải trình của các cơ quan quyền lực tại địa phương.
Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ). Ảnh: VPQH |
Đồng thời, trong góp ý về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Chung cho rằng cần bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ trong quá trình phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh do HĐND bầu như Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Quy định hiện hành chưa rõ ràng và chưa thể hiện được sự thống nhất với Nghị định số 08/2016 do Chính phủ ban hành.
Một điểm đáng chú ý khác là tại khoản 4 Điều 10 của Dự thảo luật, liên quan đến việc thành lập, giải thể, chia tách đơn vị hành chính, đại biểu đề nghị quy định cụ thể Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan có trách nhiệm xây dựng đề án, thay vì sử dụng cụm từ mơ hồ “cơ quan xây dựng đề án”. Theo đại biểu, cách diễn đạt này sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất, thuận lợi cho tổ chức thực hiện ở cấp tỉnh.
Chất vấn là công cụ giám sát chứ không can thiệp xét xử
Cùng góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) nhấn mạnh: Việc giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân với Chánh án và Viện trưởng không những không làm ảnh hưởng đến tính độc lập của tư pháp, mà ngược lại còn giúp tăng cường giám sát, đảm bảo trách nhiệm giải trình và công khai trong hoạt động công quyền.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: VPQH |
Theo đại biểu, trong bối cảnh sắp xếp lại bộ máy tổ chức ngành dọc của Trung ương tại địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, việc để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có quyền chất vấn là điều hợp lý. Cụ thể, các cơ quan như Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan thuế, Kho bạc, Hải quan, Bảo hiểm xã hội đều hoạt động ở cấp tỉnh hoặc khu vực, nhưng tác động trực tiếp đến người dân và quá trình thực thi chính sách, pháp luật tại địa phương.
Đại biểu Xuân cũng đề xuất mở rộng thêm đối tượng chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với các cơ quan nhà nước khác tại địa phương, từ đó tạo nền tảng cho hoạt động giám sát toàn diện. Thông qua cơ chế chất vấn, các đại biểu dân cử sẽ góp phần làm rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân và các đơn vị chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bà nhấn mạnh, việc duy trì cơ chế chất vấn không chỉ là bảo vệ vai trò của người đại biểu dân cử, mà còn là cách thức nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước, minh bạch các hoạt động công vụ.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) bày tỏ quan điểm thận trọng. Ông cho rằng, việc bỏ quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chánh án Tòa án và Viện trưởng Viện kiểm sát có thể mang lại một số thuận lợi nhất định như trình bày trong Tờ trình, nhưng cũng đặt ra không ít lo ngại.
Theo đại biểu Nghĩa, nếu lo ngại rằng quyền chất vấn này làm ảnh hưởng đến tính độc lập tư pháp thì cũng cần lý giải vì sao đại biểu Quốc hội vẫn có quyền chất vấn Chánh án Toàn án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiếm sát nhân dân Tối cao. Ông khẳng định, chất vấn không nhằm can thiệp vào các hoạt động xét xử hay truy tố cụ thể, mà là yêu cầu làm rõ việc tổ chức thực hiện và quản lý của người đứng đầu các cơ quan tư pháp tại địa phương.
![]() |
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) |
Đại biểu Nghĩa cho rằng cần nhìn nhận chất vấn như một cơ chế công khai, minh bạch và mang tính dân chủ trong hoạt động công vụ. Việc trao quyền chất vấn cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cách thể hiện sự tin tưởng vào đại biểu dân cử và tôn trọng nguyên tắc giám sát quyền lực nhà nước từ nhân dân.
Ông cũng đề cập đến việc sửa đổi Điều 10 của Hiến pháp về vai trò của Công đoàn Việt Nam, đề nghị bổ sung rõ “Cơ quan trung ương của Công đoàn Việt Nam” để tránh hiểu nhầm rằng công đoàn cơ sở cũng có thẩm quyền đại diện ở cấp quốc gia và quốc tế.