Chuyển đổi số đã thay đổi mọi thứ như thế nào?
Tham gia vào môi trường số có nghĩa là mỗi người dân sẽ có cả danh tính trong thế giới thực và trong thế giới số. Mỗi người sẽ cùng lúc sống trong hai thế giới, thế giới thực và thế giới số, cùng hiện diện và có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, từ đó thay đổi cách thức sống, giao tiếp và làm việc.
Lối sống đã thay đổi như thế nào?
Các thiết bị, màn hình và những máy móc khác nhau ở xung quanh chúng ta đã thay đổi lối sống của chúng ta. Mỗi người dân có nhiều hơn các lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu của mình.
Cắt tóc công nghệ
Có thể gói gọn mỗi lần đi cắt tóc của cánh đàn ông "điển hình” ở Việt Nam bằng một vài từ: Vào một cửa tiệm bất kỳ (gần nhà hoặc công ty), chờ đến lượt, yêu cầu người thợ “cắt cho một kiểu đẹp” và đi về. Tưởng rằng việc chuyển đổi số là xa vời với công việc quá đỗi bình thường này. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi ứng dụng 30Shine xuất hiện, những người đàn ông gọi 30Shine là “cắt tóc công nghệ", giống như người Việt Nam gọi Grab, Uber là taxi công nghệ. Họ có thể chọn cửa hàng, đặt lịch cắt tóc, chọn stylish thường xuyên cắt tóc cho mình thông qua một ứng dụng cài trên smartphone.
Nền tảng hội nghị trực tuyến
Trước đây, các cuộc họp của cơ quan, tổ chức thường diễn ra dưới hình thức trực tiếp, thành phần giới hạn theo phân cấp về mô hình tổ chức. Giờ đây, chuyển sang hình thức họp trực tuyến, không giới hạn thành phần, phân chia thứ bậc. Công nghệ số đã tạo một cuộc cách mạng đột phá làm “phẳng hóa” sơ đồ tổ chức hình cây truyền thống, xóa nhòa các giới hạn, tạo ra môi trường làm việc số không có khoảng cách.
Nhiều cơ quan nhà nước cũng đã tiên phong triển khai các nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới, cho phép người họp tham gia mọi lúc, mọi nơi, bằng thiết bị di động với chi phí không đáng kể thay vì sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình chi phí cao như trước kia. Công nghệ số giúp giảm bớt khâu trung gian, cơ quan nhà nước chỉ đạo điều hành, hành động nhanh hơn, kịp thời hơn.
Người Việt Nam có khả năng giải quyết tốt nhất bài toán Việt Nam. Điều đó là do chúng ta có văn hóa riêng, có thói quen riêng và có “nỗi đau” riêng mà không ai hiểu bằng chính chúng ta. Và trong thời đại số này, người Việt Nam tiếp tục nỗ lực để giải quyết bài toán của mình. Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới là một ví dụ. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã triển khai nghiên cứu, phát triển và đưa vào phục vụ thị trường các nền tảng như: Zavi của Zalo, eMeeting của AIC, NetMeeting của NetNam.
Nền tảng của Việt Nam phục vụ người Việt Nam sẽ nhanh hơn, tốt hơn, vì chỉ sử dụng băng thông kết nối trong nước. Nền tảng của Việt Nam được tùy biến để tăng cường an toàn, bảo mật. Cơ quan, tổ chức có thể linh hoạt triển khai trên hạ tầng của chính mình và tự mình kiểm soát, không sợ bị lộ, lọt thông tin cho bên thứ ba mà mình không kiểm soát được. Cơ quan, tổ chức có thể chủ động phát triển hoặc thuê phát triển tiếp, “may đo” phục vụ nhu cầu của riêng mình. Đây là những điểm mà các nền tảng phổ biến trên thế giới sẽ không bao giờ phục vụ, sẽ không bao giờ “may đo” chỉ để phục vụ thị trường Việt Nam./.